Cụ thể, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đến nay, có những ngân hàng đã giảm lãi suất từ 1 - 2%, nhưng không phải 100% các ngân hàng, mà chỉ có một phân khúc nào đó vào khoảng 30 - 40%, số còn lại vẫn đang lên kế hoạch mà chưa thực hiện. Mặt khác, các ngân hàng cũng không giảm lãi đại trà cho tất cả doanh nghiệp, mà sẽ lựa chọn những khách hàng theo từng phân khúc thị trường, cũng như tùy vào khả năng trả nợ. Những doanh nghiệp nào đã chết lâm sàng thì gần như không có cơ hội được giảm lãi suất, vì vậy chúng ta cần phải có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: “Trước hết, nên có một tổ hợp tín dụng với số vốn cung cấp cho tất cả thị trường, riêng TPHCM là 100.000 tỷ đồng và cho cả quốc gia là 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có thể dùng nguồn vốn CASA, là nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn để cho vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay là từ 2 - 5 năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên cùng Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, xây dựng tổ hợp tín dụng này, tạo ra một quy chế đặc thù, yêu cầu tất cả các ngân hàng quốc nội và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam phải tham gia, chứ không dừng ở câu chuyện khuyến khích.
Theo ước tính, với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TPHCM, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng thì với 100.000 tỷ đồng chúng ta sẽ giúp được đâu đó 20.000 doanh nghiệp vượt khó. Con số này có phải muối bỏ bể hay không, nhưng nó cũng đã giúp được một lượng doanh nghiệp bớt lao đao”, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành bổ sung thêm phương án bù lãi suất từ ngân sách. Cụ thể, theo TS Võ Trí Thành, có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng lên ở một số tỉnh thành có khả năng và cần thận trọng, tập trung có chọn lọc vào từng lĩnh vực, khu vực kinh tế cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, nên cân nhắc trường hợp một người đi vay thì khó, nhưng ba người cùng trong chuỗi cung ứng đi vay thì sẽ dễ hơn.