Nhận định trên được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu lên tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Bà Nga cho rằng, hiện nay có nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán khi đã vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra vi phạm. Rồi sau này cơ quan điều tra lại phát hiện sai phạm về cùng một nội dung nhưng những người đã vào thanh tra, kiểm toán mà không chịu trách nhiệm gì là không đúng.
Bà Nga đề nghị “bê nguyên” Điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng vào chứ không nên sửa đổi nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt câu hỏi, liệu có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp không? Theo ông Lưu, điều này xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vướng mắc rất lớn hiện nay là giám định tài chính liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử. Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) và trong Nghị quyết 18 của Trung ương cũng có nêu giao cho KTNN thực hiện giám định tư pháp.
Tuy nhiên, để không chồng chéo, trước hết, trong Luật Kiểm toán Nhà nước phải minh định rõ ràng, cụ thể cái gì của kiểm toán thì kiểm toán phải làm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc cụ thể hóa là đúng, nhưng phải quy định như thế nào để phù hợp với bản chất, yêu cầu của hoạt động kiểm toán. Việc cụ thể hóa cần phải lưu ý về thẩm quyền điều tra của Kiểm toán Nhà nước và có đầu mục cụ thể về cụ thể hoá.