Tỷ lệ nước thải thu gom mới chỉ 13%
Chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại. Trong những năm qua, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta giảm khá nhanh. Từ 12.800 m3/người (năm 1990) xuống còn 9.000 m3/người (năm 2015), dự báo giảm xuống còn 8.300 m3/người vào năm 2025. Nếu tính riêng lượng nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam, lượng nước bình quân chỉ còn 3.000 m3/người vào năm 2025.
Một trong những nguyên nhân gây nên vấn đề này là do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng chưa có sự đầu tư bài bản vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.
Tại Hà Nội, báo cáo của UBND TP cho biết, hiện thành phố đã có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động ( gồm Kim Liên - 3.700 m3/ngày đêm, Trúc Bạch - 2.300 m3/ngày đêm, Bảy Mẫu - 13.300 m3/ngày đêm, Yên Sở - 200.000 m3/ngày đêm, Bắc Thăng Long – Vân Trì - 42.000 m3/ngày đêm và Hồ Tây - 15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
Tại TPHCM, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Nhưng công suất xử lý nước hiện nay của TP chỉ khoảng 302.000 m3/ngày đêm. Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%).
Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đang khiến tình trạng ô nhiễm do nước thải ngày càng gia tăng. Điển hình là dòng chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt cả trên sông Mê Kông và sông Hồng.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%.
Hiện các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn đã và đang quy hoạch và triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại 3 trở lên sẽ được xây dựng, với công suất hơn 4 triệu m3/ngày đêm.
Doanh nghiệp ngại
Mặc dù chương trình cải cách toàn diện về xử lý nước thải đã được thông qua năm 2007 bằng Nghị định 88/2007, tuy nhiêm ô nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng.
Số liệu từ ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý và chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý.
Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đánh giá hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại nước ta hiện thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ nước thải được xử lý còn thấp, phần lớn lượng nước thải chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường hoặc qua xử lý nhưng không đạt yêu cầu, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Trong khi đó, việc tái sử dụng nước thải đô thị có khả năng làm giảm áp lực về tài nguyên nước của TPHCM về mức “căng thẳng thấp” vào năm 2030. Đây là việc có giá trị, nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào để hiện thực hóa và cần sửa đổi quy định như thế nào. Tương tự, xử lý nước thải từ các cụm công nghiệp dọc sông Nhuệ- Đáy gần Hà Nội có thể cải thiện đáng kể chất lượng nước mặt, nhưng một lần nữa các lợi ích cần phải được chi trả.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, thị trường xử lý nước thải tại của Việt Nam tới năm 2025 sẽ cần khoảng 10 tỷ USD, gồm 3,3 tỷ USD để cải thiện hệ thống xử lý nước hiện hữu và 6,9 tỷ USD để đầu tư thêm các nhà máy mới.
Rõ ràng đây là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân có đủ tiềm lực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đang do các cơ quan nhà nước đầu tư xây lắp và vận hành. Điều này khó tránh khỏi các nhà máy này bị hạn chế tự chủ trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống.
Nguyên nhân giới đầu tư tư nhân chưa mặn mà mới thị trường xử lý nước thải, theo ông Nguyễn Công Thành - cố vấn kỹ thuật của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), là do khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng thấp do đơn giá nước sạch và xử lý nước thải còn quá thấp. Trong khi đó, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải yêu cầu kinh phí cao và liên tục. Do đó, cần có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về đất, bù giá về vốn đầu tư cho các dự án.