Cận cảnh những bộ sách cổ bằng lá độc nhất thế giới ở Hà Nội
Quốc Lê
Sách lá cọ là một cách thức lưu trữ văn bản độc đáo, có từ thế kỷ thứ 5 TCN ở tiểu lục địa Ấn Độ, sau đó lan rộng sang Đông Nam Á...
Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội là nơi đang lưu giữ một bộ sưu tập sách lá cọ độc đáo được thu thập từ Lào, Myanmar và Indonesia. Đây là một cách thức lưu trữ văn bản độc đáo, có từ thế kỷ thứ 5 TCN ở tiểu lục địa Ấn Độ, sau đó lan rộng sang Đông Nam Á.
Văn bản trong sách lá cọ được viết bằng bút dao trên các tấm lá cọ được cắt và xử lý hình chữ nhật. Chất tạo màu sau đó được bôi lên bề mặt và lau sạch, để lại vết mực trong các rãnh đã rạch.
Mỗi tờ lá cọ có lỗ để luồn dây qua. Với những lỗ này, các văn bản lá cọ được buộc lại với nhau gọn gàng. Khi đọc, người ta lật từng lá, tương tự như đọc như một cuốn sách. Nội dung trong sách lá cọ gồm các bản thảo về triết học, thơ ca, ngữ pháp và các chủ đề khác của Ấn Độ giáo.
Một cuốn sách lá cọ sẽ tồn tại trong khoảng vài thập kỷ đến khoảng 600 năm trước khi bị mục nát do ẩm ướt, sự phá hoại của côn trùng, nấm mốc v..v. Do đó, đến một thời điểm nhất định, tài liệu phải được sao chép vào những bộ sách lá cọ mới.
Các ngôi đền Hindu thường đóng vai trò của trung tâm học thuật, nơi các bản viết tay cổ xưa trên lá cọ được sử dụng để học tập và sao chép khi chúng đã cũ.
Những cuốn sách lá cọ lâu đời nhất đã được tìm thấy ở những vùng có khí hậu lạnh, khô, thường là ở các vùng núi cao của Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng và Trung Á. Nhiều bản thảo trong số đó có từ hơn 1.000 năm trước.
Chữ viết trên sách lá cọ thường là kiểu chữ tròn trịa, gồm các hệ thống chữ phổ biến ở miền Nam Ấn Độ và Đông Nam Á như Devanagari, Nandinagari, Kannada, Telugu, Lontara, Java, Bali, Odia, Miến Điện, Tamil, Khmer...
Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng sách lá cọ có thể đã thúc đẩy sự phát triển các hệ thống chữ tròn, vì kiểu chữ như vậy dễ khắc trên lá cọ, còn các chữ cái góc cạnh sẽ làm nát bề mặt lá.
Với sự ra đời máy in và cuộc chinh phục của thực dân phương Tây vào đầu thế kỷ 19, kỷ nguyên thịnh vượng của sách lá cọ đã đóng lại. Bộ sưu tập sách lá cọ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có niên đại vào đầu thế kỷ 20, thuộc nhóm những cuốn sách lá cọ cuối cùng được viết.
Ngày nay, sách lá cọ được nhìn nhận như một di sản quý trong kho tàng văn minh nhân loại. Nhiều chính phủ trong khu vực đang nỗ lực bảo tồn những bản thảo đặc biệt mà người xưa để lại cho hậu thế trên những tấm lá cọ...
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.