Bắt thêm lãnh đạo Công ty Đông Kinh
Mở rộng điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở KH&ĐT Hà Nội, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm một lãnh đạo của Công ty Đông Kinh.
Ngày 9/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với bị can Võ Việt Hùng (SN 1976) Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh (Công ty Đông Kinh) để điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với bị can Bùi Quốc Việt (SN 1970), nhân viên Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) để điều tra về tội buôn lậu.
Bị can Bùi Quốc Việt chính là anh trai của bị can Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (hiện đang bị truy nã). Ông Huy bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật (Công ty Nhật Cường), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Công ty Nhật Cường Software), Sở KH&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trước đó, ngày 28/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bị can Lê Duy Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Đông Kinh về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Về mối quan hệ giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh, vào cuối năm 2016, Sở KH&ĐT Hà Nội đã mời thầu gói Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội với trị giá 42,910 tỷ đồng. Công ty Đông Kinh xuất hiện tại gói thầu này trong tư cách liên danh với Công ty Nhật Cường để tham gia đấu thầu. Đó dường như là lần hiếm hoi hai doanh nghiệp này “liên thủ” cùng nhau tham gia thị trường cung cấp giải pháp số hóa cho cơ quan hành chính Hà Nội.
Ngày 26/12/2016, liên danh Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh đã ký thực hiện gói thầu với Sở KH&ĐT Hà Nội (Hợp đồng số 01-2016/HĐKT/HAPI-NC-DKC). Sau đó, Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng này để vay vốn từ Ngân hàng MBBank – Chi nhánh Ba Đình.
Mặc dù, Công ty Đông Kinh là doanh nghiệp tư nhân kín tiếng hơn hẳn Công ty Nhật Cường, nhưng những năm qua, Công ty Đông Kinh cũng là doanh nghiệp trúng hàng loạt các gói thầu số hóa tại các bộ, ngành và nhiều địa phương cả nước.
Trong khi đó, theo văn bản của UBND TP Hà Nội gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) liên quan tới vụ án tại Công ty Nhật Cường, thì doanh nghiệp này đã cung cấp các phần mềm phục vụ điều hành của thành phố về cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, cổng dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (7 nhóm dịch vụ công khai sinh và khai tử); Phần mềm ngành giáo dục (tuyển sinh đầu cấp, sổ liên lạc điện tử có kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội).
Các bị can Võ Việt Hùng (trái) và Lê Duy Tuấn (phải) đều thuộc Công ty Đông Kinh (Ảnh: Bộ Công an). |
Biến cố liên quan tới UBND TP Hà Nội
Chỉ vài ngày sau khi bắt thêm các lãnh đạo Công ty Đông Kinh, tới ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 cá nhân về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các cá nhân bị khám xét khẩn cấp là Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng.
Thông báo của Bộ Công an không nêu cụ thể nơi làm việc của các cá nhân bị khám xét. Tuy nhiên, thông tin sau đó cho biết một người là cán bộ Phòng Thư ký biên tập, thành viên tổ giúp việc, người sau đó là lái xe, cả hai đều công tác phục vụ trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Người còn lại là một cán bộ Công an. Hiện chưa rõ tài liệu bí mật nhà nước bị các cá nhân này chiếm đoạt là tài liệu gì?
Như vậy là đã hình thành thực tế, trong khi hai nhà thầu quan trọng cung cấp nền tảng công nghệ, hệ thống điều hành hành chính số hóa cho TP Hà Nội đã là trung tâm trong các vụ án đang được điều tra, thì lại thêm các cán bộ "sát sườn" Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị khám xét với cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Tại văn bản báo cáo với Cơ quan Điều tra về hoạt động cung cấp dịch vụ của Công ty Nhật Cường trước đó, UBND TP Hà Nội đánh giá "Sản phẩm và cơ sở dữ liệu đến nay đã và đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của thành phố và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội của người dân Thủ đô".
Tuy nhiên, thực tế là đến nay các thông tin đánh giá về tính bảo mật, tính liên kết, giám sát của các dịch vụ do Nhật Cường và Đông Kinh cung cấp chưa được công bố. Cũng không rõ Hà Nội có tiến hành đánh giá các yêu cầu này với sản phẩm do hai công ty cung cấp. Cần lưu ý là, bên cạnh việc "xây dựng chính quyền điện tử của thành phố và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội", các phần mềm điều hành có tiêu chuẩn cần phải đáp ứng và phải được đánh giá về tính bảo mật, độ an toàn... khi vận hành.
Nhìn từ góc độ quản trị thông tin, những diễn biến này cho thấy an ninh thông tin của Hà Nội đang thực sự có vấn đề bất ổn. Đặc biệt là khi những cán bộ thân cận lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố cũng đang chịu cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Câu hỏi đặt ra là những tài liệu bí mật nhà nước này liệu có bị rò rỉ từ chính các phần mềm điều hành mà hiện nay Hà Nội đang sử dụng và đánh giá là tốt?