Cán bộ thoái hóa sẽ không có đất sống

ng Phan Văn Độ, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận, Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, n

Thanh lọc cán bộ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Là người nghiên cứu nhiều về lịch sử Đảng, ông đánh giá thế nào về các tiêu chí này?

Bản thân tôi thấy rất vui mừng vì điều này. Chúng ta đang quyết tâm chống tham nhũng, thanh lọc đội ngũ cán bộ rất quyết liệt bằng những hành động cụ thể chứ không chỉ là lời nói suông.

Những quy định này thực ra không phải là mới, mà là sự tiếp nối, cụ thể hóa về tiêu chuẩn cán bộ đã được đưa ra cách đây 20 năm.

Ông Phan Văn Độ

Nhưng quan trọng là quy định ấy được đưa ra trong bối cảnh Đảng ta đang trong “chiến dịch” chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng đạo đức một cách quyết liệt với việc một loạt cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật.

Có thể xem quy định này như là một quyết tâm nữa của Bộ Chính trị trong việc xử lý kiên quyết những cá nhân sai phạm, đặc biệt là những cán bộ cấp cao.

Phải chăng cũng là để loại dần “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất”, ông có nghĩ thế?

Đúng, quy định này cũng thể hiện Đảng ta đang khẩn trương khắc phục những khuyết điểm xuất hiện thời gian qua, khi nhiều giá trị bị lạm dụng, khiến dư luận bức xúc. Những quy định này sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo trong các khóa tới.

Với quy định cụ thể như thế, hẳn sẽ không có chuyện thăng tiến thần tốc, bất chấp quy trình, yếu kém chỗ này cất nhắc lên chỗ kia ở cấp cao hơn?

Tôi cho rằng, nếu thực hiện đúng, thực hiện nghiêm quy định này thì chắc có lẽ sẽ không có những chuyện như Trịnh Xuân Thanh, hay thi thoảng đâu đó lại có chuyện cả nhà làm quan, rồi hotgirl được bổ nhiệm thần tốc… Cán bộ phải đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, thì sẽ không làm những chuyện xằng bậy như thế.

Nhưng đây mới chỉ là những quy định cho cán bộ cấp cao, chưa đề cập đến các cấp khác?

Tôi cho rằng tới đây chúng ta sẽ phải triển khai, làm được từ bên trên thì chắc chắn sẽ làm được xuống dưới.

Cán bộ không được tham vọng quyền lực

Một vấn đề thời gian gần đây được bàn đến là sự tha hóa quyền lực của một số cán bộ. Có quyền nhưng lạm quyền. Điều này tới đây liệu có được khắc phục?

Một điểm đặc biệt trong quy định này đã được Bộ Chính trị nhấn mạnh, đó là “cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.

Điều này là đòi hỏi rất cao với cán bộ đấy, phải như thế nào thì mới có bản lĩnh để không tham vọng quyền lực. Quyền lực ở đây được hiểu là trọng trách được giao để thực thi công vụ, nhưng lại coi thứ quyền ấy là quyền cá nhân, mang lại lợi ích cá nhân, tham nhũng, cục bộ…

Cán bộ không tham vọng quyền lực thì sẽ không tìm cách để “trèo cao”, không móc nối đưa con cháu mình vào hệ thống, không bố trí các “chất rết” xung quanh… Tôi hiểu vậy có đúng không?

Nó thể hiện ở nhiều nội dung lắm. Không tham vọng quyền lực, hiểu đơn giản là làm đúng, làm tốt công việc ở vị trí của mình, không có tư tưởng và việc làm sai trái ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia dân tộc. Nếu điều khó này mà cán bộ làm được, thì tôi tin những việc khác sẽ trở nên dễ dàng.

Tôi cũng rất đồng tình với ông! Mỗi người hãy cứ làm tốt vị trí của mình, ai làm tốt nhất thì sẽ được thăng tiến, bổ nhiệm, chứ không phải là ai “chạy” nhanh hơn, khỏe hơn thì được bổ nhiệm.

 “Trảm” bất cứ ai sai phạm

Như ông vừa nói, quy định không quan trọng bằng người thực hiện. Để thanh lọc đội ngũ cán bộ, theo ông chúng ta cần phải làm gì?

Những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước mới mang tính định hướng, yêu cầu. Các cán bộ phải soi chiếu mình vào các tiêu chuẩn đó, để tự răn mình. Người không đủ năng lực, không có đức thì không có chỗ đứng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo.

Để thanh lọc, loại bỏ những cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu, tôi cho rằng quy định là quan trọng nhưng người đứng đầu có vai trò quan trọng nhất. Khi người đứng đầu liêm chính, quyết liệt, thì chắc chắn cán bộ cấp dưới cũng sẽ phải học hỏi, làm theo.

Chúng ta đang dần lấy lại niềm tin của người dân bằng những việc làm cụ thể, quyết tâm cao, nói đi đôi với làm.

Rất nhiều những tín hiệu vui trong công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy thời gian gần đây, ông hy vọng gì vào kết quả phòng chống tham nhũng thời gian tới?

Cả một thời gian dài, “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất” đã gây ra những ảnh hưởng xấu trong Đảng bởi những biểu hiện như suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống.

Đến khi chúng ta “trảm” bất cứ ai sai phạm, kể cả người có chức vụ cao, có quan hệ rộng lẫn cán bộ cấp thấp, thì tôi tin rằng chúng ta đang xóa mọi vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Cán bộ thoái hóa biến chất sẽ không có đất sống nữa.

Để chống tham nhũng, cán bộ lãnh đạo sẽ phải thực sự là người mẫu mực?

Tới đây chúng ta phải làm rất kiên quyết để phát huy tinh thần, khí thế hừng hực chống tham nhũng này, không để nó nguội lạnh đi, thì tôi tin chắc sẽ hiệu quả.

Kiên quyết đến mức xử lý cả bộ trưởng, thứ trưởng, rồi cán bộ cơ sở… sai phạm đều phải chịu trách nhiệm, dường như chưa bao giờ ta quyết tâm cao chống tham nhũng như lúc này?

Như đồng chí Tổng Bí thư có nói đại ý rằng lò đã nóng thì cho củi tươi vào cũng phải cháy. Là người nhiều năm tham gia chống tham nhũng, cũng phải chịu bao phiền phức, thiệt thòi, đe dọa vì chống tham nhũng, tôi cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực, đáng mừng, đáng để chúng ta hy vọng tới đây sẽ không còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, người đi chống tham nhũng như tôi sẽ chẳng có việc làm nữa (cười).

Nhiều lần trò chuyện ông rất tâm tư vấn đề lòng tin của người dân vào công tác phòng chống tham nhũng, hẳn là giờ đây ông cũng bớt lo âu?

Tôi nghĩ với đà này, người dân đang dần tin tưởng. Chống tham nhũng quyết liệt sẽ lấy lại được niềm tin của nhân dân. Khi dân tin, thì có thể coi là công cuộc ấy đã chiến thắng.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo quy định, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức; Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn; Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; Sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt; không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.

Theo VietnamDaily
back to top