Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cán bộ lãnh đạo mà làm gương thì sức lan tỏa rất lớn. Cán bộ tốt sẽ có nhân viên tốt và ngược lại. Việc làm gương phải từ những thứ nhỏ nhất như lời ăn tiếng nói, đi xe gì, ở nhà nào, cho đến những quyết sách trong công việc. Nếu chỉ làm gương trên giấy, hô hào suông thì vô nghĩa.
Gương có sáng, người soi mới đẹp
Ngày 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đoàn Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. “Nêu gương là tất cả các cán bộ đảng viên đều phải làm nhưng trước hết là các lãnh đạo cao nhất, tức là gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Đã từng công tác nhiều năm ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông đánh giá thế nào về vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo?
Cách đây hơn 6 năm, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương khóa XI ban hành Quy định số 101-QÐ/TW, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Từ lâu chúng ta cũng đã chủ trương viêc này và thực tế thì cần phải làm từ rất lâu rồi.
Lãnh đạo tốt thì sẽ có nhân viên tốt và ngược lại, lãnh đạo không làm gương thì khó bắt nhân viên phải tuân thủ. Sức lan tỏa của người lãnh đạo là cực kỳ lớn, do đó, nếu hệ thống cán bộ lãnh đạo của ta mà tốt thì chắc chắn bộ máy sẽ trơn tru, lành mạnh, ít có tiêu cực, tham nhũng.
Việc gương mẫu ấy phải bắt đầu như thế nào thưa ông?
Thực tế cuộc sống chính là thước đo, chứ không phải mệnh lệnh, quy định nào. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu từ lối sống, đạo đức, văn hóa, phong cách, năng lực điều hành. Đó là tất cả các mặt của cuộc sống chứ không đơn thuần một hai mặt nào đó hay chỉ gương mẫu ở công sở.
Để làm được thế chắc hẳn là khó lắm?
Rất khó. Con người ai cũng có mặt tốt mặt xấu, làm thế nào để tự biến mình thành tấm gương sáng là điều rất khó. Thực tế có nhiều người là cán bộ lãnh đạo nhưng không làm gương được. 9 điều đảng viên không được làm nhưng họ vẫn làm. Có cán bộ sa đà vào tệ nạn, tham nhũng, móc ngoặc với cả tội phạm, bè phái chia rẽ…
Làm thế nào để quy định trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên có hiệu lực tác động mạnh mẽ, điều chỉnh hành vi từng người?
Quy định là một chuyện, việc chỉ đạo thực hiện quy định là chuyện khác. Việc kiểm tra giám sát thực hiện quy định cũng rất quan trọng. Việc xử lý cán bộ vi phạm như thế nào để làm gương.
Gương ở đây phải là gương sáng thì người soi mới thấy mình đẹp, mình tốt được. Còn nếu chỉ là quy định trên lý thuyết, không triển khai vào thực tế thì khó mà đạt được hiệu quả.
Phong trào tự giác
Việc xây dựng quy định cán bộ đảng viên phải làm gương, chắc sẽ phải có những quy định rất cụ thể kèm theo?
Phải lượng hóa được việc làm gương đó như thế nào chứ không thể nói chung chung là đạo đức hay bản lĩnh được. Ví dụ như lãnh đạo làm gương thì sống như thế nào, đi xe gì, có đúng quy định không hay là siêu xe bóng loáng đắt tiền.
Ở nhà như thế nào hay là biệt phủ nguy nga lộng lẫy, trong khi cán bộ công chức làm lụng cả đời mới tích cóp được cái nhà nhỏ nhỏ. Tài sản của lãnh đạo như thế nào, hay là đất đai bát ngát, nhà cửa hàng dăm bảy cái. Cán bộ tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp ra sao…
Ý ông là phải làm gương từ những việc cụ thể?
Đúng thế. Cán bộ nghỉ rồi thì có trả lại nhà công vụ hay không, có bố trí con cháu vào các vị trí công việc trong cơ quan hay không…
Rồi cán bộ có sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến hay không. Trong công việc có công bằng, khách quan không, có vì lợi ích chung không, có tạo điều kiện cho người tài làm việc không, có tâm huyết với công việc hay không… Làm gương phải trên rất nhiều yếu tố đó chứ không riêng ở mặt nào.
Thế thì khó lắm. Chẳng ai dại gì khai ra tôi có bao nhiêu nhà đất, bằng cấp của tôi là giả?
Bởi thế thì ngoài việc nêu gương, có lẽ phải vận động phong trào tự giác trong cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Tự giác làm việc không cần phải nhắc nhở, tự giác thành khẩn kê khai tài sản…
Khi cán bộ nào cũng tự giác như thế thì ắt hẳn sẽ không có chuyện tham nhũng hay tiêu cực. Nhưng chắc chắn là rất khó, bởi không ai dại gì tự giác khai ra cái sai, cái xấu của mình cả.
Dường như làm cán bộ khổ lắm, ông có nghĩ thế?
Nếu thực sự nghĩ cho lợi ích chung, không tư lợi, không vơ vét cho bản thân, thì vất vả. Nhưng đổi lại, nhận được sự kính trọng của người dân. Còn về đời sống vật chất, hàng triệu cán bộ công chức họ sống được thì không có lý gì cán bộ lãnh đạo lại không sống được. Thu nhập có thể thấp, có thể nghèo, nhưng không bao giờ chết đói.
Đừng làm gương trên giấy
Việc cán bộ làm gương thời nay có gì khác thời trước thưa ông?
Chưa bao giờ vấn đề đức trị phải nêu cao như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ vấn đề pháp trị phải nắm chắc và đề cao như bây giờ. Dùng đức trị quản sẽ chỉ được 10 dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được 100 dặm, mà dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc. Do đó việc làm gương phải từ những việc thực tế, không chỉ làm gương trên giấy.
Một số tiêu chuẩn để nêu gương đã được công bố, nhưng theo ông, cần nhấn mạnh thêm những điểm nào?
Bây giờ có biết bao cám dỗ, những lợi ích như tiền bạc, danh vị, quyền chức, lợi lộc… Tất cả những thứ đó đang thử thách tư chất, phẩm hạnh của người cộng sản. Không vượt qua được thì rất khó có thể nêu gương.
Do đó phải nhấn mạnh vấn đề đạo đức, phẩm hạnh, trước hết ở liêm sỉ, tức là sự xấu hổ, mà thiếu nó thì không trở thành người, nói gì đến trở thành đảng viên. Không biết tự trọng, không có liêm sỉ, thiếu trí tuệ thì làm sao nêu gương được cho ai. Điều đó đặt ra với từng đảng viện, nhất là với những đồng chí đứng đầu, những đồng chí giữ trọng trách trong Đảng.
Thực tế đã có những người đứng đầu buông lỏng làm hỏng cả tổ chức, làm thế nào để khắc phục thưa ông?
Tất cả cán bộ, đảng viên đều là những tấm gương thì người đứng đầu phải là tấm gương sáng nhất. Nếu không làm được điều đó thì không thể biện minh về sức mạnh, uy tín của tổ chức đó. Muốn chọn được người đứng đầu tiêu biểu nhất, trước hết cần đổi mới cơ chế tuyển chọn. Cần tuyển chọn một cách trực tiếp, dân chủ, minh bạch; và kể cả tranh cử.
Cần thể chế hóa cụ thể việc kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, sự giám sát của cấp dưới đối với cấp trên, đối với người đứng đầu ở tất cả các tổ chức đảng. Vấn đề từ chức phải đặt ra và thể chế nó.
Điều quan trọng nhất là phải có sự giám sát của nhân dân. Không gì lọt qua được đôi mắt nhân dân cả. Phải dựa hẳn vào nhân dân để giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên. Hàn thử biểu đo lòng tin của nhân dân đối với Đảng cũng nằm ở đây. Theo đó, mà lựa chọn người cần chọn.
Xin cảm ơn ông!
Chiều 6/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại Hội nghị lần này, Trung ương thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh: Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đúng như lời dạy của Bác Hồ: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền".