Cần 25.200 tỷ đồng mua văcxin tiêm đại trà cho dân

(khoahocdoisong.vn) - Việc Bộ Tài chính trình Chỉnh phủ về thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19 dựa trên mô hình Nhà nước và nhân dân cùng tham gia là một sáng kiến rất hay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Việt Nam đang tiếp cận nhiều nguồn văcxin Covid-19

Việt Nam đã tiếp nhận lô văcxin Covid-19 thứ hai, 1.682.400 liều, từ hỗ trợ của COVAX. Hơn 1,6 triệu liều này đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Việt Nam vừa tiếp nhận lô văcxin Covid-19 thứ hai, 1.682.400 liều, từ hỗ trợ của COVAX.

Việt Nam vừa tiếp nhận lô văcxin Covid-19 thứ hai, 1.682.400 liều, từ hỗ trợ của COVAX.

Lô văcxin này nằm trong số 4,1 triệu liều văcxin được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của COVAX - một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với văcxin Covid-19 trên toàn cầu.

Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Văcxin, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính.

Hơn 1,6 triệu liều này đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Hơn 1,6 triệu liều này đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với văcxin Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Thủ tưởng Canada khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp cận văcxin chống Covid-19, cũng như chuyển giao công nghệ và đầu tư sản xuất dược phẩm, văcxin tại Việt Nam.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ gần đây cũng đã bàn về việc mua văcxin phòng Covid-19 của Pfizer. Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua 31 triệu liều văcxin phòng Covid-19 của Pfizer (Mỹ).

Liên quan đến công tác tiêm chủng văcxin phòng Covid-19, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, việc tiêm văcxin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều văcxin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều văcxin phòng Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19 là cần thiết

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng văcxin phòng Covid-19 cho toàn dân từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Có thể thấy, từ Nghị quyết này, chúng ta có cơ sở để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19.

Tổng nhu cầu kinh phí mua văcxin Covid-19 để tiêm đại trà ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí để mua văcxin, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ đồng ý dùng tiền do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid-19 từ các tổ chức, cá nhân để mua văcxin Covid-19. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, giám sát Mặt trận các tỉnh, thành phố chuyển số tiền đã tiếp nhận vào ngân sách.

Sáng 21/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành y tế tiếp nhận hỗ trợ 4 triệu liều văcxin phòng Covid-19 từ Tập đoàn Vingroup (ước tính khoảng 40 triệu USD, gần 1.000 tỷ đồng). Đại diện các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cũng đã ủng hộ 100 tỷ đồng để mua văcxin (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng), riêng HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam đánh giá, việc thành lập quỹ dựa trên mô hình Nhà nước và nhân dân cùng tham gia là một sáng kiến rất hay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và NSNN còn hạn hẹp. Nếu Quỹ hoạt động minh bạch, hiệu quả, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp ủng hộ, thậm chí nhiều người dân sẵn sàng đóng góp dù ít hay nhiều.

Ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EGroup chia sẻ: “Cá nhân tôi hết sức ủng hộ quan điểm thành lập Quỹ Văcxin phòng Covid-19, doanh nghiệp cũng vậy. Chúng tôi kỳ vọng Quỹ sẽ hoạt động hiệu quả, bởi khi người dân được tiêm văcxin phòng Covid-19, niềm tin chiến thắng dịch bệnh sẽ được củng cố, doanh nghiệp cũng được tiếp thêm “sức đề kháng” trước tác động của dịch bệnh”.

Đối với văcxin Covid-19 cần bảo quản âm sâu, ông Bùi Kim Khánh, Giám đốc toàn quốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, với tổng diện tích hơn 1.000m2, dung tích hơn 4.000m3, hệ thống kho lạnh của VNVC có công suất bảo quản lên đến gần 180 triệu liều văcxin các loại trong 1 thời điểm ở nhiệt độ từ 2 - 8oC hoặc âm sâu đến -80oC. VNVC sẵn sàng phục vụ đến 4 triệu liều văcxin Covid-19 cho mỗi tháng.

Mỗi người dân chỉ cần góp 60.000đ

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho tới hiện nay, văcxin ngừa Covid-19 vẫn hiệu quả, nếu nó không hiệu quả ở việc giảm bệnh nhiều cũng hiệu quả ở giảm bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

Phóng viên y tế là một trong những nhóm được ưu tiên tiêm ngừa văcxin vì thường xuyên tác nghiệp, đưa tin tiếp xúc với nguồn lây.

Phóng viên y tế là một trong những nhóm được ưu tiên tiêm ngừa văcxin vì thường xuyên tác nghiệp, đưa tin tiếp xúc với nguồn lây. 

Về vấn đề thành lập Quỹ Văcxin Covid-19, BS Trương Hữu Khanh khẳng định đây là việc cần phải làm. Quan trọng nhất là chúng ta phải tìm mọi cách làm sao mua được văcxin ngừa Covid-19 về Việt Nam sớm nhất và bằng nhiều cách từ ngân sách trung ương, ngân sách từng địa phương, quỹ, huy động nguồn lực từ xã hội…

Chúng ta không nên chỉ dựa vào một phương thức duy nhất, như vậy biết chừng nào mới có đủ văcxin. Nếu giá văcxin ngừa Covid-19 là 6USD, chúng ta có thể kêu gọi mỗi người dân tự nguyện đóng 3USD (hơn 60.000đ) - khoảng 50% giá của văcxin.

Theo BS Trương Hữu Khanh, nhiều người không thích kêu gọi đóng tiền, nhưng có thể tự đóng để tiêm văcxin dịch vụ. Vì vậy, chúng ta có thể xem xét mở rộng các loại hình văcxin ngừa Covid-19 như từ trước tới nay vốn đã rất hiệu quả đối với nhiều loại văcxin dịch vụ khác.

Nhu cầu tiêm ngừa văcxin Covid-19 rất lớn, Việt Nam có một tỷ lệ nhất định người dân không có khả năng chi trả để tiêm ngừa văcxin, nên Quỹ văcxin Covid-19 vẫn rất cần thiết, nhưng không có nghĩa chỉ có một quỹ này mà thôi.  

BS Trương Hữu Khanh cho biết, qua kiểm tra ban đầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiệu quả bảo vệ văcxin AstraZeneca hiện đang được tiêm tại Việt Nam lên đến 86%. 

Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, văcxin Moderna và văcxin Pfizer-BioNTech lần lượt có hiệu quả 94,1% và 95% trong việc ngăn chặn bệnh do Covid-19. Văcxin đơn liều của Johnson & Johnson/Janssen có hiệu quả 66,3% trong các thử nghiệm lâm sàng trong việc phòng ngừa bệnh Covid-19. 

Hiện nay, một số nước như Canada, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển đã thử nghiệm tiêm mũi 1 là văcxin Astra Zeneca và mũi 2 là văcxin Pfizer & BioNTech. Kết quả của một nghiên cứu tại Tây Ban Nha cho thấy, việc tiêm một liều Pfizer cho những người đã tiêm văcxin AstraZeneca trước đó là an toàn và hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top