CAMM2: Tương lai của bộ nhớ máy tính

CAMM2 (Compression Attached Memory Module 2) là một chuẩn RAM được phát triển bởi JEDEC, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế về công nghệ bán dẫn. Chuẩn này được kỳ vọng sẽ thay thế cho SO-DIMM, chuẩn RAM phổ biến trong các thiết bị di động và nhỏ gọn.

CAMM2 mang lại nhiều cải tiến về hiệu suất, thiết kế và tiết kiệm năng lượng, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới về khả năng nâng cấp và chi phí. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về CAMM2, từ ưu điểm, nhược điểm đến khả năng chấp nhận và tác động của nó đến nhu cầu mua máy mới của người dùng.

CAMM2 là gì và những ưu, nhược điểm của nó

CAMM2 là thế hệ thứ hai của chuẩn Compression Attached Memory Module, được thiết kế để thay thế cho SO-DIMM. CAMM2 sử dụng các chip bộ nhớ DDR (Double Data Rate) hoặc LPDDR (Low-Power Double Data Rate), với thiết kế phẳng và rộng hơn, giúp giảm chiều cao trục Z (Z-height) so với SO-DIMM. Điều này đặc biệt hữu ích cho các thiết bị mỏng nhẹ như laptop, cho phép tích hợp thêm các thành phần khác hoặc cải thiện hệ thống tản nhiệt.

Một module RAM chuẩn CAMM2 của nhà sản xuất GEILMột module RAM chuẩn CAMM2 của nhà sản xuất GEIL

Thiết kế mỏng hơn: Điều dễ nhận thấy nhất là CAMM2 có thiết kế phẳng và rộng, giúp giảm chiều cao Z so với các module SO-DIMM truyền thống. Thiết kế này giúp tiết kiệm không gian trong các thiết bị mỏng nhẹ, cho phép tích hợp thêm các thành phần khác hoặc cải thiện hệ thống tản nhiệt. Đối với các nhà sản xuất, điều này mở ra khả năng thiết kế các thiết bị với form factor mới, mỏng nhẹ và hiệu quả hơn.

Hiệu suất cao hơn: CAMM2 hỗ trợ dung lượng bộ nhớ lớn hơn và có thể được cài đặt gần CPU hơn, giúp giảm độ trễ và tăng tốc độ truyền dữ liệu. Các module LPDDR5X CAMM2 có thể đạt tốc độ truyền lên đến 9600 MT/s, cao hơn nhiều so với SO-DIMM. Điều này giúp cải thiện hiệu suất tổng thể của hệ thống, đặc biệt là trong các ứng dụng yêu cầu tốc độ xử lý nhanh như chơi game và xử lý đồ họa.

Tiết kiệm điện năng: Các module CAMM2 tiêu thụ ít điện năng hơn so với các module SO-DIMM, giúp cải thiện thời lượng pin cho các thiết bị di động. Điều này rất quan trọng đối với các thiết bị như laptop và máy tính bảng, nơi mà thời lượng pin là một yếu tố quyết định lớn đối với trải nghiệm người dùng.

Đơn giản hóa thiết kế: Sử dụng một module đơn giúp đơn giản hóa thiết kế của các bo mạch chủ và thiết bị, giảm thiểu số lượng khe cắm và kết nối cần thiết. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tăng độ tin cậy của hệ thống, do giảm thiểu số lượng kết nối vật lý có thể gây ra lỗi.

CAMM2 sẽ cho phép sử dụng bộ nhớ LPDDR5(X) không hàn, đồng thời có thể hạn chế việc sử dụng RAM DDR5 hàn. Tuy nhiên, hai biến thể này có cấu hình chân khác nhau, vì vậy không thể sử dụng một biến thể trên bo mạch chủ được thiết kế cho loại RAM khác.

Một lợi ích khác của CAMM2 là nó có nghĩa là không cần nhiều mô-đun bộ nhớ để kích hoạt bộ nhớ kênh đôi. Một mô-đun CAMM2 duy nhất có thể được tạo thành hai kênh bộ nhớ, cung cấp nhiều băng thông bộ nhớ hơn cho CPU và đồ họa tích hợp để có hiệu suất cao hơn.

Tuy nhiên ưu điểm nhiều thì cũng có nhược điểm, đầu tiên là không có LED RGB (có thể tương lai sẽ có), phải dùng ốc vít để gắn cố định và quan trọng và gần như tất yếu đó là nó đắt đỏ. Cái gì mới mẻ và ưu việc hơn thì đắt đỏ hơn là lẽ đương nhiên.

Do CAMM2 thường sử dụng một module đơn, việc nâng cấp bộ nhớ đòi hỏi phải thay thế toàn bộ module hiện có, thay vì chỉ thêm mới như với SO-DIMM. Điều này có thể làm tăng chi phí nâng cấp và làm giảm tính linh hoạt cho người dùng. Trong khi với SO-DIMM, người dùng có thể dễ dàng nâng cấp bằng cách thêm một module mới vào khe cắm còn trống, với CAMM2, việc này trở nên phức tạp hơn và tốn kém.

Điều này có thể làm giảm sự hài lòng của người dùng và tăng chi phí sở hữu lâu dài. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận việc người dùng nâng cấp nhỏ theo kểu gắn thêm chỉ hay diễn ra đối với máy tính để bàn hoặc với những chiếc laptop Work Station chứ không ai đi gắn thêm ram cho một chiếc di động hay chiếc tablet cả.

Hầu hết chúng ta sử dụng các thiết bị số theo 02 hình thức tùy vào khả năng tài chính. Một là cứ hễ có mới thì đổi, phần chi phí chênh lệch được xem là chi phí thiết bị bỏ ra theo chu kỳ ra mắt phiên bản. Người ít dư giả hơn có thể kéo dài chu kỳ đổi mới thiết của họ theo kiểu cách 1 hoặc 2 lần chu kỳ ra mắt.

Hình thức thứ 2 là, xài cho tới lúc không xài được nữa thì mới mua cái khác. Dù nói là việc nâng cấp thiết bị sử dụng chuẩn CAMM2 là đắt đỏ, tuy nhiên, với một thiết bị ban đầu vốn đã có hiệu năng cao thì thời gian nó làm hài lòng người dùng sẽ được kéo dài.

Quá trình chuyển đổi chậm: Chuyển đổi từ SO-DIMM sang CAMM2 sẽ không diễn ra ngay lập tức. Các nhà sản xuất cần thời gian để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các sản phẩm mới sử dụng chuẩn này, đồng thời đảm bảo rằng người dùng cuối có thể tiếp cận và chấp nhận công nghệ mới. Trong thời gian đầu, cả hai chuẩn này sẽ cùng tồn tại trên thị trường.

Giới hạn trong một số thiết bị: CAMM2 hiện tại chủ yếu nhắm đến các thiết bị cao cấp như laptop chơi game và trạm làm việc di động (Work Station - laptop). Sự phổ biến của nó có thể bị hạn chế nếu không nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ các nhà sản xuất phần cứng và người dùng. Các thiết bị phổ thông và giá rẻ có thể sẽ tiếp tục sử dụng SO-DIMM trong một thời gian dài trước khi chuyển đổi hoàn toàn sang CAMM2.

Nhà sản xuất có thực sự muốn chuyển sang CAMM2 không?

Về mặt động lực và lợi ích, CAMM2 mang lại hiệu suất cao hơn và thiết kế mỏng hơn, giúp các thiết bị có thể tận dụng không gian hiệu quả hơn và cải thiện khả năng tản nhiệt. Những lợi ích này rất hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, đặc biệt là trong phân khúc laptop cao cấp và trạm làm việc di động (Work station laptop).

Maiboard MSI Z790 vừa ra mắt tại Computex 2024 với chuẩn CAMM2Maiboard MSI Z790 vừa ra mắt tại Computex 2024 với chuẩn CAMM2

Chuẩn RAM này đã nhận được sự hỗ trợ của hàng loạt những cái tên lớn trong giới công nghệ nhằm tạo ra cả một hệ sinh thái chứ không chỉ dừng lại ở nhà sản xuất phần cứng.

Cuối năm 2023, JEDEC – cơ quan tiêu chuẩn hóa các giám sát về những tiêu chuẩn bộ nhớ đặt ra trong ngành máy tính, đã chính thức công bố chuẩn bộ nhớ RAM mới có tên CAMM2. Chỉ một tháng sau đó, Micron trở thành công ty đầu tiên giới thiệu các mô-đun RAM dựa trên chuẩn này.

Vừa qua, vào 04/2024, Micron tiếp tục hợp tác với Lenovo để sản xuất chiếc laptop đầu tiên hỗ trợ bộ nhớ LPCAMM2.

Đến cuối tháng 4, MSI đã bắt tay hợp tác cùng Kingston trong việc phát triển bo mạch chủ máy tính để bàn Z790 hỗ trợ công nghệ bộ nhớ RAM CAMM2 lần đầu tiên trên thế giới và hé lộ tại sự kiện công nghệ thường niên Computex 2024.

Hẳn nhiều người có thể đã quên, đó là chuẩn CAMM đầu tiên được nghiên cứu bởi chính Dell cách đây 25 năm. Được nghiên cứu và phát triển bởi kỹ sư của Dell, có tên là Tom Schnell, thiết kế này ban đầu bị người dùng nghi ngờ do lo ngại độc quyền. Và hiển nhiên, Dell đã áp dụng CAMM cho dòng laptop Precision của mình.Trong năm 2023, Dell ra mắt các mẫu máy tính xác tay thuộc dòng Precision của mình như một kẻ tiên phong.

Hiệp hội JEDEC từ đầu đã hỗ trợ Dell nhằm hoàn thiện cấu hình của chuẩn CAMM và tiêu chuẩn này đang trở thành giải pháp khả thi đối với nhiều nhà sản xuất laptop khi nó giải quyết các hạn chế của SO-DIMM về mặt tốc độ lẫn dung lượng bộ nhớ.

Bên cạnh JEDEC, được biết đang có 32 nhà sản xuất bao gồm cả Apple đang tham gia vào nỗ lực hoàn thiện cấu hình CAMM.

Dell cũng đã công bố CAMM là chuẩn mở, thế nên khả năng nâng cấp của người dùng sẽ không bị giới hạn ở Dell mà sẽ là nhiều nhà sản xuất bộ nhớ phía thứ 3. Và con số 2 được thêm vào phía sau tên viết tắt của tiêu chuẩn này chỉ đơn giản là để đánh dấu việc nó chính thức được chuẩn hóa ở dạng mở chứ không phải tiêu chuẩn độc quyền.

CAMM do Dell tạo ra và hãng sở hữu bằng sáng chế của công nghệ này, như vậy ít nhiều sẽ có phí bản quyền. Tuy nhiên, Dell cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận về phí bản quyền.

Hãng nhấn mạnh rằng một chiếc laptop chứa rất nhiều sáng chế khác nhau, thuộc sở hữu của nhiều công ty khác nhau thế nên CAMM2 sau cùng có thể được cấp dưới dạng bản quyền chéo.

Một điểm nữa là JEDEC sẽ yêu cầu mọi tiêu chuẩn phải đáp ứng các điều khoản Hợp lý và không tùy ý (RAND), điều này có nghĩa một tiêu chuẩn chỉ có thể được JEDEC thông qua nếu như việc cấp phép sử dụng nó không gây phản cạnh tranh, có giá hợp lý và không phân biệt đối xử đối với một công ty cụ thể.

Những thách thức và hạn chế

Việc chuyển đổi từ SO-DIMM sang CAMM2 sẽ diễn ra từ từ. Các nhà sản xuất cần thời gian để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các sản phẩm mới sử dụng chuẩn này, đồng thời đảm bảo rằng người dùng cuối có thể tiếp cận và chấp nhận công nghệ mới.

Tuy nhiên, sự thành công của CAMM2 phụ thuộc vào việc liệu nó có đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường hay không, đặc biệt là trong việc nâng cao hiệu suất và tiết kiệm không gian.

CAMM2 vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chấp nhận. Các nhà sản xuất sẽ tiếp tục thử nghiệm và đánh giá hiệu suất, chi phí, và phản hồi từ người dùng trước khi quyết định mở rộng việc sử dụng chuẩn này trên quy mô.

Và một việc cuối cùng, quan trọng nhất là những gì CAMM2 tác động đến nhu cầu mua máy mới của người dùng. Tác động tích cực đầu tiên có thể kể đến là việc chuẩn RAM mới này cải thiện đáng kể hiệu suất. CAMM2 có thể cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và khả năng quản lý nhiệt tốt hơn. Những lợi ích này có thể làm cho các thiết bị mới sử dụng CAMM2 trở nên hấp dẫn hơn đối với người dùng muốn nâng cấp để có hiệu suất tốt.

Vấn đề tiết kiệm không gian và năng lượng của CAMM2 có thể giúp các nhà sản xuất tạo ra các thiết bị mỏng nhẹ hơn và có thời lượng pin tốt hơn. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu mua các thiết bị mới với những cải tiến này.

Ở phía ngược lại, cũng có những tác động tiêu cực tạo ra do chi phí nâng cấp khá cao. Việc sử dụng module đơn CAMM2 làm tăng chi phí nâng cấp bộ nhớ, vì người dùng phải thay thế toàn bộ module thay vì chỉ thêm mới như với SO-DIMM. Điều này có thể làm giảm sự hài lòng của người dùng và tăng chi phí sở hữu lâu dài, khiến người dùng có thể chờ đợi lâu hơn trước khi mua máy mới.

Kết luận

CAMM2 mang lại nhiều lợi ích về thiết kế, hiệu suất và tiết kiệm năng lượng, nhưng cũng đặt ra những thách thức về chi phí nâng cấp và quá trình chuyển đổi. Nhà sản xuất có động lực để chuyển sang CAMM2 nhờ những ưu điểm vượt trội, nhưng cũng phải cân nhắc các yếu tố về chi phí và khả năng nâng cấp để đảm bảo sự chấp nhận từ người dùng.

Đương nhiên là, một khi tiến trình chuyển đổi bắt đầu, nó sẽ không dừng lại cho đến lúc chuẩn này sẽ hoàn toàn được sử dụng trong các thiết bị ra mắt ở tương lai. Trong giai đoạn chuyển đổi này, người dùng có thể chọn không nâng cấp máy mới để chờ đợi sự ổn định và giảm giá của công nghệ mới.

Theo Đời sống
back to top