Hạn chế quyền của người dân
TP Hà Nội vừa có văn bản do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, ký ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP. Theo văn bản, ngoài các quy định chung, nội quy quy định rõ đối với công dân đến trụ sở tiếp công dân TP phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ; công dân được tiếp theo thứ tự, phải trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, nội quy cũng ghi rõ: Công dân "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".
Nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho rằng, về nguyên tắc, quy chế hoặc nội quy tiếp công dân do chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành không được trái với các quy định của Luật tiếp công dân. Như vậy, cần phải xem xét quy định của TP Hà Nội có làm ảnh hưởng đến quyền của công dân hay không. Luật không có quy định cấm người dân quay phim, chụp hình, ghi âm tại các địa điểm tiếp công dân thì các văn bản dưới luật như nội quy, quy chế không nên đặt thêm quy định này.
TS. LS Dương Đình Khuyến, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng lợi dụng việc ghi âm ghi hình vào những mục đích xấu như bôi nhọ cán bộ, cắt ghép rồi đưa lên mạng xã hội… thì quy định này là hợp lý. Đúng là khi làm việc mà có máy quay phim, ghi âm cứ chĩa vào mình thì sẽ không được tự nhiên. Nhưng người dân cũng có những quyền của mình. Tuy nhiên quy định nào cũng phải dựa trên các quy định đã được ghi rõ trong luật. Khi làm việc tiếp công dân, đều có biên bản ghi rõ nội dung phản ánh là gì, sẽ được chuyển đến đâu. Người dân đọc kỹ và ký vào đó, thì cũng là một bằng chứng cho buổi làm việc đó. Nên ở góc độ hạn chế tình trạng xuyên tạc, bôi xấu cán bộ thì quy định này có ít nhiều tác dụng.
Cứ làm đúng, ghi âm, ghi hình cũng không ngại!
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, quy định như vậy sẽ hạn chế quyền công dân. Trong khi nếu để người dân được tự do ghi âm, ghi hình thì cũng gắn trách nhiệm của cán bộ với công việc. Nếu anh làm việc tốt, tận tậm, minh bạch thì người dân có ghi âm ghi hình cũng không ngại. Nhưng anh lại hách dịch, dọa dẫm, quan cách, xa dân thì đúng là sẽ rất ngại nếu bị ghi âm, ghi hình.
Đúng là khi người dân đến phản ánh bức xúc của mình thì có cái đúng, có cái sai do chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Cán bộ tiếp dân phải giải thích, hướng dẫn tận tình cho người dân hiểu, cái người dân phản ánh đúng phải tiếp thu. Công việc đơn giản có thế thì việc ghi âm, quay phim là bình thường, không cần cấm. Cán bộ làm tốt thì được hoan nghênh, ngược lại làm chưa tốt thì phải chỉnh sửa. Những trường hợp người dân quá khích thì việc quay phim lại cũng cách để người ta thấy rõ cái sai ở đâu.
“Cán bộ tiếp dân không phải là cái máy ngồi đấy, chỉ biết “kính chuyển”. Họ phải là những người giải thích, giúp đỡ dân bằng thái độ chân thành, làm cho dân hiểu với vai trò là người tuyên truyền phổ biến pháp luật. Do đó, nếu cán bộ đàng hoàng, làm đúng quy định thì không có gì phải ngại cảm Thậm chí qua đây còn thể hiện được vai trò của mình, bản lĩnh của mình trong giải quyết công việc. Nhiều người dân vẫn có thói quen “phép vua thua lệ làng” thì nay phải sống theo pháp luật, tuân thủ pháp luật. Do đó hãy cứ để họ ghi âm, ghi hình. Đây là cơ quan nhà nước, người dân kích động, gây rối sẽ bị xử lý”, ông Nguyễn Túc cho biết.
Thực hiện cho tốt các quy định hiện có
Bày tỏ sự cảm thông đối với Hà Nội khi đưa ra quy định này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ, nếu đây chỉ là giải pháp tình thế thì có thể áp dụng, nhưng không nên trở thành quy định cứng nhắc để áp dụng. Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo quan tâm công tác tiếp công dân. Trong một hội thảo mới đây, Thủ tướng có phát biểu “Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”.
Là người từng có nhiều năm phụ trách việc tiếp công dân, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng quan trọng nhất là cả cán bộ và người dân đều thực hiện đúng các quy định hiện hành về tiếp công dân. Thực tế khi đến phòng tiếp dân, nhiều người dân rất bức xúc, bế tắc do đã đi nhiều nơi mà không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng. Cán bộ tiếp dân khi đó phải thực sự lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông để giải thích cặn kẽ cho dân mới hóa giải được những bức xúc.
“Nếu tại phòng tiếp dân, cả hai bên đều có thiện chí thì không vấn đề gì. Nhưng người dân lại quá khích, đôi co với cán bộ thì dễ xảy ra những điều không mong muốn. Tốt nhất là tuyên truyền, giáo dục người dân khi đến phòng tiếp dân phải thể hiện văn hóa nơi tiếp dân. Cán bộ phải tận tụy, không hách dịch. Cứ thực hiện tốt các quy định về tiếp công dân hiện nay là công tác tiếp dân sẽ có những hiệu quả, không cần phải đặt ra những lệnh cấm. Việc cấm đoán chỉ là cực chẳng đã”, ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Túc, hiện các quy định của pháp luật không cấm người dân được ghi âm, ghi hình thì cũng không nên cấm người dân. Hà Nội mà cho ra một văn bản như vậy là trái luật, cần rà soát lại, nếu sai thì phải sửa.
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc Hà Nội ra một quy định căn cứ trên Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân mà đặt ra những chế định không có trong luật là không phù hợp. Hiện cả Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. Theo ông Xuyền, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.