Cấm giáo viên chủ nhiệm liên lạc trực tiếp với phụ huynh, có sai quy định?

(khoahocdoisong.vn) - Rất nhiều trường “quốc tế” cấm giáo viên chủ nhiệm liên lạc trực tiếp với phụ huynh học sinh. Vậy, điều này có sai theo quy định của Bộ GD&ĐT?

GVCN có quyền liên lạc với gia đình phụ huynh

Ngay sau khi xảy ra cái chết thương tâm của em bé 6 tuổi nghi bị bỏ quên trên xe ở trường Gateway, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, lỗi một phần nằm ở quy định của nhà trường đã không cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN) liên lạc trực tiếp với phụ huynh học sinh. Thay vào đó, GVCN phải liên lạc của kênh hệ thống của nhà trường.

Kết quả là, cha mẹ cháu bé đã không hề nhận được một cú điện thoại hay tin nhắn nào về việc bé không tới lớp, cho dù, theo cô giáo nói, đã gửi thông báo lên hệ thống của nhà trường.

Lập tức, hàng loạt phụ huynh lên tiếng cho rằng, con của mình đang học các trường quốc tế cũng có quy định hệt như vậy.

“Con tôi đang học một trường mầm non của Vinschool. Mọi tình hình của trẻ sẽ được cô giáo cập nhật trên phần mềm Kidonline, bố mẹ vào đó xem, tuyệt đối không được gọi điện trực tiếp cho cô giáo, có vấn đề gì thì báo nhà trường. Trường cũng không cho xem camera hằng ngày, nếu như không có nghi ngờ con bị bạo hành hay không được chăm sóc đầy đủ”, một phụ huynh chia sẻ.

Một phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế BVIS cũng cho biết, hầu như tất cả các trường quốc tế đều có quy định GVCN không được liên lạc trực tiếp với phụ huynh.

Theo tìm hiểu nhiệm vụ và quyền của giáo viên tiểu học tại Điều 34 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2014 hợp nhất Thông tư về Điều lệ Trường Tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành quy định, giáo viên có quyền “Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục”.

Còn theo Điều lệ trường THCS, THPT và trường PT có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư sổ 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thì giáo viên chủ nhiệm có quyền “Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh...”.

Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, ThS Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, chiếu theo các điều lệ và thông tư của Bộ GD&ĐT thì việc cấm giáo viên liên hệ trực tiếp với phụ huynh là sai hoàn toàn. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm là người nắm rõ tình hình của học sinh, cần có sự trao đổi trực tiếp với gia đình học sinh. Qua một kênh khác có thể đã bị “tam sao thất bản” mất rồi.

Bộ GD&ĐT cần có ý kiến về việc này

Trao đổi với KH&ĐS, TS Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong yêu cầu của ngành giáo dục, giáo viên phải có mối liên hệ thường xuyên với phụ huynh học sinh, bàn những giải pháp để học sinh tiến bộ, cả về đạo đức và học tập.

“Tôi cũng vẫn luôn dặn giáo viên ở trường tôi, nếu mà học sinh đi học muộn hay chưa đến thì phải liên lạc với gia đình học sinh xem nguyên nhân vì sao. Bộ GD&ĐT đã có quy định rồi, làm trái thì phải phải gánh chịu hậu quả”, ông Thành nói.

Ông Thành chia sẻ, từ kinh nghiệm giảng dạy cũng như quản lý, ông thấy việc GVCN liên lạc với gia đình phụ huynh hết sức quan trọng.

Lấy ví dụ, một đứa trẻ thường ở trường từ 9 – 10 tiếng, gần bằng thời gian ở nhà. Chưa kể, ở nhà thời gian trẻ dành cho việc ngủ nhiều. Như vậy, cô giáo có thể nắm rõ hơn cha mẹ về các hoạt động của trẻ. Cho nên, mối liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh là hết sức cần thiết.

Chẳng hạn, cô giáo có thể nói: Chị ơi, dạo này cháu không làm bài tập ở nhà; hay cháu hay buồn ngủ; hoặc cháu hay nổi nóng, không biết có việc gì không… Lúc này, giáo viên giống như người mẹ thứ hai, phối hợp với gia đình cùng giúp trẻ tiến bộ.

Nếu mà nhà trường không cho phép GVCN liên lạc với phụ huynh, thì mối quan hệ này sẽ rời rạc. Thậm chí, ở một số trường tư họ còn công bố tuần này học các môn như thế nào để phụ huynh nắm được và giám sát giáo viên xem dạy có đúng không. Như vậy, phụ huynh ở đây được coi giống như một lực lượng giáo dục để dạy học sinh.

“Mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội là một tam giác bất biến và bền vững nhất để bao bọc và bảo vệ đứa trẻ”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho biết, về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, trên tinh thần những quy định chung của Bộ cần phải kiểm tra các trường. Nếu trường làm sai, hoàn toàn có quyền xử lý theo chế tài. Như vậy, mới làm đúng trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương.

Cũng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: Việc liên hệ giữa GVCN và gia đình phụ huynh phải được cởi mở, tự do, đây là quyền của giáo viên.

Nhưng cũng có thể nhìn ở góc độ quản lý một số trường, họ sợ sự trao đổi giữa GVCN và phụ huynh không được trong sáng, GVCN có thể gây áp lực, “nhũng nhiễu” phụ huynh nên họ bắt phải chuyển qua kênh trung gian nào đó để kiểm soát.

Tuy nhiên, giữa GVCN và nhà trường phải thảo luận với nhau, nên làm như thế nào là thuận lợi, không được áp đặt. Hoặc chỉ đưa ra một số nguyên tắc, nếu sau này giáo viên vi phạm thì xử lý.

Chứ còn không cho liên hệ, trong trong tình huống xảy ra cấp cứu, đột xuất thì người GVCN không có trách nhiệm gì à?”, TS Tùng Lâm đặt câu hỏi.

Ông Lâm chia sẻ, mới đầu, ông cũng rất băn khoăn vì sao giáo viên Gateway lại không gọi điện trực tiếp cho gia đình phụ huynh, về sau theo một số thông tin ông mới biết là không được gọi.

Như vậy ở đây, cần các nhà lập pháp và Bộ GD&ĐT phải có ý kiến. Chứ không thể để giữa giáo viên và quản lý “cò cưa” với nhau, rồi ai cũng đưa ra cái lý của mình là không được.

Ông Lâm chia sẻ, vừa rồi họp bàn trong Tổ tư vấn về đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đưa chương trình giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, trong đó có việc phải đẩy mạnh giáo dục gia đình, nêu cao vai trò trách nhiệm của gia đình. Như vậy, có thể thấy, kết nối giáo dục với gia đình là rất quan trọng.

“Việc GV được phép liên lạc trực tiếp với gia đình phụ huynh rất quan trọng, và hoàn toàn có quyền. Bị tước quyền đi rồi thì giáo viên lấy gì để mà giáo dục? Có phải ngày nào giáo viên cũng liên lạc với phụ huynh đâu?”, TS Nguyễn Tùng Lâm.

Theo Đời sống
back to top