2 sinh viên là Mai Thanh Tín và Nguyễn Tiến Trung – đến từ Khoa Điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TPHCM đã trăn trở tìm hiểu và sáng chế ra “Thiết bị phòng ngừa cận thị sử dụng cảm biến siêu âm”. Thiết bị được thiết kế một cách nhỏ gọn, có thể gắn vào kính cận, tai nghe mini, headphone, hoặc có móc treo để gắn vào tai hoặc vị trí gần mắt. Nó sẽ gồm 1 bộ cảm biến siêu âm có 3 chế độ tương ứng với 3 loại khoảng cách mà con người hay vi phạm sẽ dẫn đến cận thị. Khi thực hiện bất kì hoạt động nào, người dùng có thể kích hoạt chế độ tương ứng với từng công viêc. Nếu như tại bất kì thời điểm nào khoảng cách giữa mắt và sách vở, màn hình máy tính, tivi không đúng cự ly tối thiểu cho phép sẽ kích hoạt bộ cảm biến, bộ cảm biến truyền tín hiệu cho bộ phận xử lý thông tin, khi đó bộ phận xử lý thông tin báo động cho người dùng biết là cự ly không đúng yêu cầu… Ý tưởng đưa ra hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc hạn chế cận thị và các bệnh biến chứng do cận thị dẫn tới. Theo các nhà chuyên môn nhãn khoa thì 80% lượng thông tin mà não thu nhận được là qua mắt. Do đó, học sinh mắc cận thị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ, gây ra các hiệu ứng tiêu cực về sinh hoạt và kết quả học tập của học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.
Hà Bình