<div> <p>Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, có ba khó khăn lớn trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ. Thứ nhất là quy hoạch hạn chế chiều cao, mật độ các công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân. Cuối cùng là việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ. “Việc này rất phức tạp, dẫn đến bất đồng trong bàn giao chủ sở hữu”, vị này cho hay.</p> <p>Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý II/2021. Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của thành phố Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.</p> <p>Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. Hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù.</p> <p>KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong thời gian chờ đợi một cơ chế hài hòa mới, Hà Nội có thể căn cứ quy hoạch chung, xem xét những khu tập thể, chung cư cũ nào có thể thì triển khai tái thiết sớm, không nên chờ đợi triển khai đồng loạt.</p> <p>Đại diện một số nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ đề xuất, bên cạnh việc cải thiện các thủ tục hành chính thông thoáng hơn, để đảm bảo đúng các chỉ tiêu quy hoạch, thành phố cần có phương án giúp nhà đầu tư bù đắp chi phí và có lãi. “Đặc biệt là với người dân, cần rõ ràng về lợi ích và trách nhiệm. Không thể ngồi chờ đủ tất cả đồng ý mới triển khai mà phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên”, đại diện một nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa kiến nghị.</p> <p class="article-author cms-author"> </p> </div> <p> </p>