Cải cúc trợ tiêu hóa

(khoahocdoisong.vn) - Cải cúc hay còn gọi là rau cúc thuộc họ cúc Ateraceae có nguồn gốc vùng trung Cận Đông, nhập về được trồng ở nhiều nơi trên cả nước. Cải cúc vừa là rau ăn vừa là thuốc chữa bệnh.

Cải cúc có mùi thơm mát, nhiều nơi dùng ăn sống, chế dầu xốt cà chua, bóp giấm, ăn với lẩu, nấu canh thịt, cá, đặc biệt là món cá thát lát nấu với cải cúc rất ngon. Theo y học cổ truyền, rau cải cúc vị ngọt nhạt, hơi đắng the, mùi thơm, tính mát, thành phần tinh dầu kết hợp với chất xơ trong cải cúc giúp hỗ trợ thải khí thừa trong dạ dày, kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác thèm ăn, nhuận tràng. Vị thanh, mát ngon của rau có tác dụng tốt đến thần kinh, trí não. Ăn rau cải cúc có tác dụng kiện tỳ vị, tiêu đàm, giáng hỏa. Theo dinh dưỡng học hiện đại, rau cải cúc tương đối giàu năng lượng. Để cung cấp cho cơ thể 25 calo cần sử dụng 138g rau cải cúc trong đó chứa 2g protid; 4,8 glucid, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin B1, C và một số vitamin A, đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Rau cải cúc rất mềm, thích hợp với người lớn và trẻ em, nếu biết chế biến và sử dụng có thể chữa bệnh hiệu quả.

Trong các loại rau mùa đông thì cải cúc rất tốt cho hệ tiêu hóa. Cải cúc chứa nhiều chất dễ bay hơi, tạo ra hương vị đặc biệt giúp tăng sự bài tiết của nước bọt, cải thiện cảm giác thèm ăn. Lượng chất xơ trong rau thúc đẩy nhu động ruột, thải độc trong đường ruột, chống táo bón. Để chữa bệnh tỳ vị hư hàn hay bị lạnh bụng, đi cầu nhiều lần người ta lấy rau cải cúc nấu canh cá lóc cho thêm củ gừng ăn. Để hỗ trợ tim mạch, người mắc bệnh được khuyên ăn cải cúc thường xuyên dù chế biến theo cách nào bởi các thành phần trong cải cúc giúp tim khỏe, mùi hương đặc trưng của cải cúc cũng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Những người hay đau nhức đầu được khuyên lấy lá cải cúc hơ nóng đắp lên hai bên thái dương và đỉnh đầu vào buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc lúc thấy nhức đầu đồng thời nấu canh cải cúc uống nước ăn cái. Đối với người đang phát triển, cải cúc nhiều axit amin, chất béo, protein, natri, kali dồi dào và các khoáng chất giúp điều hòa quá trình trao đổi chất, thải bớt độc chất trong cơ thể. Vào mùa đông, căn bệnh ho thường dai dẳng, để chữa bệnh người ta lấy rau cải cúc 100g hoặc hơn,  phối hợp thịt cá diếc hoặc cá khoai, cá thát lát gia vị vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần. Nếu bị cảm cúm, sốt, đau họng lấy một lượng rau cải cúc tươi rửa sạch, cho vào bát, đổ cháo nóng lên sau 5 phút trộn đều ăn khi cháo còn nóng. Người dân Nam bộ còn lấy cải cúc tươi rửa sạch, thái nhỏ, cho ít mật ong, hấp cách thủy lấy nước thuốc chia ra làm nhiều lần để trẻ uống chữa viêm họng.

Lương y Nguyễn Văn Sáu (Trung tâm Y tế Bà Rịa)

Theo Đời sống
back to top