Đỗ Kính Tu được thờ làm Thành hoàng.
Có khả năng bị mưu sát
Cũng là sự lưu truyền, trước lúc nhảy xuống sông Hồng, ông đã có lời khấn, nếu ông đúng tội, cả người và ngựa sẽ rời nhau và bị nước cuốn trôi mất, còn nếu như ông vô tội thì cả người và ngựa sẽ không rời nhau và nổi lên. Quả nhiên, chỉ sau ba ngày cả người và ngựa nổi lên và vẫn dính chặt vào nhau. Nỗi oan của ông sau này được giải tỏ, triều đình phong ông làm Phúc thần được thờ làm thành hoàng ở thôn Hậu Ái.
Về bi kịch này, Phan Huy Chú đã viết: “Vỗ về dân xã, dẹp yên giặc giã, dự hàng công lớn mà bỏ mình vì bọn quyền thần tàn bạo”. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, có khả năng Thái úy Đỗ Kính Tu bị mưu sát bởi âm mưu của thế lực họ Trần trong triều.
Khi ông mất, vua chợt tỉnh ngộ, liền cho rước ông về quê để mai táng và lấy ngày 21 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày tế lễ tưởng niệm. Thương tiếc và tưởng nhớ đến công lao của ông, dân làng tôn ông làm Thành hoàng làng và dựng đền trên đất nhà ông để thờ tự. Đến năm 1914, làng tu sửa đền thành đình.
Nơi thánh địa ắt sinh ra người hiền
Ngôi đình xây dựng trên khu đất cao, rộng giữa làng, phía trước có hồ rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Cổng đình có hai cột hoa biểu cao, phía trên mang hình lồng đèn, đắp tứ linh, hổ phù, tận cùng là bốn chim phượng hoàng chụm đuôi lại. Từ trụ biểu, xây tường ra hai bên, giữa tường trổ cửa phụ vòm cuốn, mái chồng diêm.
Qua hiên, vào sân hai bên là hai dãy tả vũ, hữu vu đều có sáu gian, tường hồi bít đốc, các vì kèo làm kiểu quá giang trên cột gạch. Phía cuối sân là tòa đại đình dàn ngang năm gian, hai mái. Trên bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Bộ vì kèo kiểu năm hàng cột để mái trước đình mở rộng, các cột gắn bó với nhau theo kết cấu “thượng giường hạ kẻ”.
Các thành phần kiến trúc được chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng), hổ phù, hoa lá với đường nét mềm mại theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Từ gian giữa đại đình chạy dọc về phía sau là tòa hậu cung tạo thành hình chữ “đinh”. Bộ khung hậu cung chắc chắn, các vì kèo theo kiểu ‘thượng giường hạ bẩy”, nhiều chỗ được chạm rồng, mây, hoa lá như ở đại đình. Hậu cung được ngăn đôi bằng hệ thống cửa bức bàn sơn son, vẽ hình rồng, phượng, rùa, lân.
Phía trong cung cấm có khám thờ với tượng thành hoàng Đỗ Kính Tu. Nhang án trên có long ngai, bài vị. Phía ngoài bầy bộ kiệu giá ngự, các đồ tự khí như bát bửu, cờ năm màu… Trên thượng lương ghi rõ đình làm lại năm Giáp dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8. Kiến trúc đình Hậu Ái thuộc đầu thế kỷ XX và được bổ sung một số hiện vật như cuốn thần phả do tiến sỹ Nguyễn Bá Đôn, người cùng xã Vân Canh, soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859) cùng với sáu bức hoành phi và tám câu đối.
Cùng với đình Hậu Ái, ở địa phương vẫn còn giữ được phần mộ của Thái úy Đỗ Kính Tu, gồm Mã Am là phần mộ tổ của ông và Mã nàng là nơi các tỳ thiếp chết theo ông. Đình Hậu Ái và mộ Thái úy Đỗ Kính Tu đều được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1989.
Nguyễn Bá Đôn (cũng người thôn Hậu Ái) đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851) đã làm đôi câu đối thờ ông ở đình làng (hiện nay vẫn còn) có nội dung như sau: “Thánh địa đốc sinh hiền văn võ tài du vi quốc bảo – Đăng sơn nan vãn nhật anh hùng phá giang lưu”.
Nghĩa là: Nơi thánh địa ắt sinh ra người hiền, mưu tài văn võ là của quí cho đất nước – Trèo lên núi cũng không kéo được mệnh trời buổi chiều trở lại, người anh hùng chỉ còn biết tâm sự với dòng sông.
TS Nguyễn Thành Hữu