Cách xử lý động vật cắn

(khoahocdoisong.vn) - Các loài động vật hoang dã ăn thịt thường có nhiều loại vi khuẩn trong tuyến nước bọt, nên các vết thương do chúng cắn thường dễ bị hoại tử.

Hỏi: Cách xử lý bị động vật như chó, mèo cắn như thế nào?

Trần Hà Anh (Hà Nội)

TS Nguyễn Văn Sáng, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: Các loài động vật hoang dã ăn thịt thường có nhiều loại vi khuẩn trong tuyến nước bọt, nên các vết thương do chúng cắn thường dễ bị hoại tử. Tuy nhiên với các loại thú nuôi thì khả năng này thấp hơn, nhưng không phải là không nguy hiểm. Các loài động vật đa phần có nguồn thức ăn không được kiểm soát vệ sinh, nên khi bị chúng cắn, tuyến nước bọt có nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng. Cách xử lý tốt nhất nếu là vết thương nhỏ thì rửa bằng nước muối, thuốc sát trùng ngay khi bị cắn. Nếu bị chảy máu và vết căn ăn sâu vào da thì phải đến ngay các trạm y tế gần nhất để tiến hành xử lý.

Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... Mục đích xử lý tại chỗ vết thương là để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3-5 ngày để hạn chế virus tản phát. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết… hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Những trường hợp bị cắn mà không xác định được con vật sống ở đâu để theo dõi thì tốt nhất là đi khám ngay để bác sỹ chẩn đoán vết cắn, từ đó chỉ định việc tiêm phòng dại.

Theo Đời sống
back to top