Cách xác định có bị nhiễm lao hay không

Có những người bị nhiễm lao nhưng không phát bệnh do lao tiềm ẩn. Chỉ khoảng 5-10% người bị nhiễm lao chuyển thành bệnh lao. Vậy làm thế nào để phát hiện được sớm?

Bệnh lao được hình thành như thế nào?

Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao có khả năng lây truyền từ người bệnh lao sang cho người khác khi nói chuyện, ho, hắt hơi .

Khi hít phải vi khuẩn lao, người đó sẽ ở trong tình trạng nhiễm lao, hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Lúc này nhờ vào hệ miễn dịch khỏe mạnh, vi khuẩn lao sẽ ở trong trạng thái “ngủ”, người bị nhiễm lao chưa mắc bệnh lao, chưa có triệu chứng bị bệnh và chưa có khả năng lây truyền cho người khác.

Nếu hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn chuyển từ trạng thái “ngủ” sang trạng thái hoạt động, người đó sẽ mắc bệnh lao. Chỉ khoảng 5-10% người bị nhiễm lao chuyển thành bệnh lao.

Thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện Phổi Hà Nội

Thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện Phổi Hà Nội

Những ai có nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao?

- Người bệnh HIV mọi lứa tuổi

- Người bệnh bụi phổi

- Người bệnh đái tháo đường, lạm dụng rượu bia…

- Người bệnh suy thận, chạy thận nhân tạo

- Người bệnh cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng

- Người bệnh điều trị ức chế miễn dịch kéo dài

- Người bệnh điều trị thuốc sinh học

Chính vì vậy, để giảm nguy cơ mắc bệnh lao, cần phải được phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn.

Làm thế nào để xác định bạn có nhiễm lao hay không?

Hiện nay Tổ chức y tế thế giới cũng như Chương trình chống lao quốc gia khuyến cáo sử dụng xét nghiệm Mantoux hoặc xét nghiệm IGRA - định lượng Interferon gamma (ở Việt Nam loại xét nghiệm IGRA đang được sử dụng là Quantiferon) để xác định một người có nhiễm lao hay không.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố xét nghiệm, người nhiễm lao tiềm ẩn cần được loại trừ mắc bệnh lao hoạt động thông qua khám lâm sàng, XQ phổi, xét nghiệm đờm hoặc các dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc lao ngoài phổi.

Ai cần được khám, phát hiện, quản lí lao tiềm ẩn?

1. Nhóm những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi.

2. Nhóm những người có các yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển từ lao tiềm ẩn thành bệnh lao (người bệnh HIV, bụi phổi, đái tháo đường, lạm dụng rượu bia, suy thận, chạy thận nhân tạo, người cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng, người bệnh điều trị ức chế miễn dịch kéo dài, người bệnh điều trị thuốc sinh học)

Điều trị lao tiềm ẩn như thế nào?

Các phác đồ được Tổ chức y tế khuyến cáo và dự kiến sẽ được triển khai tại Việt Nam bao gồm:

1. Phác đồ 9H: điều trị Isoniazid kéo dài trong 9 tháng, đối tượng: người lớn nhiễm lao tiềm ẩn

2. Phác đồ 6H: điều trị Isoniazid kéo dài trong 6 tháng, đối tượng: trẻ em < 15 tuổi nhiễm lao tiềm ẩn

3. Phác đồ 3RH: điều trị Rifampicin và Isoniazid kéo dài trong 3 tháng, đối tượng: người lớn và trẻ em < 15 tuổi nhiễm lao tiềm ẩn

4. Phác đồ 3HP: điều trị Rifapentin và Isoniazid kéo dài trong 12 tuần (12 liều), đối tượng: người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên nhiễm lao tiềm ẩn.

ThS.BS Nguyễn Trường Thi (Bệnh viện phổi TƯ)

Theo Đời sống
back to top