Hỏi: Làm thế nào để tránh rủi ro như sốc phản vệ khi tiêm văcxin Covid-19?
Phạm Đức Hòa (Hà Nội)
PGS.TS Trần Đình Bình, Đại học Y dược, Đại học Huế: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi tiêm văcxin Covid-19 vào bắp, cần thực hiện bước rút nòng bơm tiêm kiểm tra có máu sau khi tiêm vào cơ hay không. Bởi nếu vô tình đâm trúng mạch máu khi tiêm bắp sẽ làm giảm hiệu quả của văcxin. Văcxin phải được tiêm vào cơ và cùng sự hỗ trợ của các tá dược làm cho nó phân tán chậm vào máu, góp phần kích thích đáp ứng miễn dịch với tác dụng kéo dài. Vì vậy, khi thực hiện kỹ thuật tiêm bắp, mọi nhân viên y tế cần kiểm tra để đảm bảo rằng kim tiêm không vô tình đâm vào mạch máu.
Loại văcxin mà chúng ta đang sử dụng là AstraZeneca là văcxin vector, sử dụng vector là virus adeno sống giảm độc, có mang vật chất di truyền mã hóa cho protein gai bề mặt của virus gây bệnh Covid-19 được gọi tên là spike hoặc S. Đây chính là thành phần giúp cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào cơ thể để phát sinh chứng bệnh. Đây cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể. Vì vậy, nếu adenovirus được đưa thẳng vào máu có thể sẽ xuất hiện các hiệu ứng, bởi vì bản thân adenovirus cũng là một tác nhân ngoại lai, có thể gây bệnh. Các phản ứng được mô tả như sản xuất các yếu tố viêm (cytokines, chemokines), hoạt hóa bổ thể, tác động đến đông máu vì giảm tiểu cầu do sự phản ứng thụ thể đặc hiệu giữa adenovirus và tiểu cầu.
Trong khi chưa có một nguyên nhân cụ thể nào gây sốc phản vệ cho người được tiêm văcxin AstraZeneca, có lẽ cũng cần nghĩ đến nguyên nhân do kỹ thuật tiêm bắp, để dự phòng nguy cơ này, các nhân viên y tế thực hiện đúng kỹ thuật tiêm bắp, kéo nòng bơm để kiểm tra có nguy cơ đâm vào mạch máu hay không. Thủ thuật này có thể tốn thêm thời gian thao tác, nhưng có thể sẽ an toàn cho người được tiêm.