Cách làm trà sắn dây hạ nhiệt nắng nóng, tốt cho huyết áp, tim mạch

Sắn dây vừa có tác dụng thanh nhiệt và vừa giúp giải độc cơ thể và có tác dụng dược lý khá phong phú để hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim...trong những ngày hè nóng nực.

Nhiều tác dụng chữa bệnh

Ở ta hiện nay có hai loại sắn dây: sắn dây ta và sắn dây tầu (có nguồn gốc từ Trung Quốc). Sắn dây tầu cho lượng bột nhiều hơn nhưng chất lượng giải nhiệt và mùi thơm không bằng sắn ta. Hơn nữa, vì lợi nhuận, gian thương thường hay trộn bột sắn thường với bột sắn dây để kiếm lời.

Bởi vậy, khi mua người tiêu dùng cần thận trọng, tốt nhất là nên tự mình mua củ sắn dây tươi về tự chế biến hoặc thuê các cơ sở có uy tín và đảm bảo vệ sinh.

Dân gian thường ướp bột sắn dây với hoa bưởi hoặc hoa nhài để làm tăng thêm sức hấp dẫn của loại nước giải khát độc đáo này. Theo nghiên cứu hiện đại, sắn dây có độc tính rất thấp, không có tác dụng gây đột biến, bởi vậy nếu dùng quá liều lượng cũng không có tác dụng bất lợi nào.

Cách làm trà sắn dây hạ nhiệt nắng nóng, tốt cho huyết áp, tim mạch ảnh 1

Cách làm trà sắn dây hạ nhiệt nắng nóng, tốt cho huyết áp, tim mạch

Theo dược học cổ truyền, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết, tai ù tai điếc...

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sắn dây có tác dụng dược lý khá phong phú như hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc, bảo hộ tế bào gan, chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp, nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu ôxy...

Uống sống tốt hơn nấu chín

Sắn dây có thể dùng theo cách uống sống hoặc nấu chín, tuy nhiên sắn dây sống có công dụng hạ nhiệt tốt hơn sắn dây chín. Có nhiều cách chế biến nước sắn dây giải khát, có thể kể ra vài phương thức chính sau đây :

Củ sắn dây hãm trà: Củ sắn dây thái phiến, phơi hoặc sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày lấy 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Khi uống, có thể pha thêm một chút đường phèn. Cũng có thể cho vào nồi sắc lấy nước uống.

Pha bột sắn dây thêm nước cốt chanh: Bột sắn dây 3 thìa cà phê, đường trắng vừa đủ, hai thứ đem hòa với nước sôi để nguội trong cốc, chế thêm một chút nước cốt chanh hoặc quất (cũng có thể cho quất hoặc chanh thái lát), quấy đều rồi uống. Tùy theo sở thích có thể đem ướp lạnh hoặc cho thêm vài viên nước đá.

Trà sắn dây câu đằng: Củ sắn dây thái phiến và câu đằng lượng bằng nhau, hai thứ đem tán vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30g đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt cho những người bị cao huyết áp, đau đầu, nhiệt miệng, cổ vai đau nhức.

Trà sắn dây đan sâm: Củ sắn dây 200g, đan sâm 180g, bạch linh 90g, cam thảo 60g. Tất cả sấy khô tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là thứ nước giải khát cực tốt cho những người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng.

Nước ép sắn dây tươi trị say nắng, say nóng: Say nắng, say nóng thuộc chứng trúng thử của y học cổ truyền, nói một cách khác, là bị trúng nắng, trúng nóng, với các triệu chứng mặt đỏ nhừ, mồ hôi vã ra như tắm, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, ngã té, nặng hơn thì ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Có thể dùng khoảng 40g củ sắn dây tươi, rửa sạch đất cát, cắt nhỏ, giã nát, vắt lấy nước, thêm một chút muối ăn, quấy đều, cho uống. Người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn ( Nguyên chủ nhiệm Khoa Y Học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top