Theo GS.TS Lê Thị Hương, giám đốc trung Tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện K, vitamin C có tên khoa học là Acid Ascorbic, là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể con người không tự sản xuất được mà cần bổ sung từ thực phẩm. Vitamin C có nhiều trong các loại rau tươi và quả mọng, quả có múi.
Vitamin C có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể con người, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư:
Vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể trong và sau khi điều trị ung thư. Đầu tiên, vitamin C giúp tăng cường sản xuất tế bào lympho và tế bào thực bào, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Thứ hai, vitamin C giúp các tế bào này hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ chúng khỏi bị hư hại bởi các các gốc tự do.
Thứ ba, vitamin C là một phần thiết yếu của hệ thống phòng thủ của da. Nó được vận chuyển tích cực đến da để hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp tăng cường các rào cản của da chống lại các tác hại bên ngoài như vi khuẩn, tia xạ....
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống vitamin C có thể rút ngắn thời gian chữa lành các vết loét do tì đè.
Vitamin C giúp hấp thụ sắt từ thực phẩm. Vitamin C hỗ trợ chuyển hóa chất sắt từ dạng hấp thụ kém (như sắt có nguồn gốc thực vật) thành một dạng dễ hấp thu hơn.
Trên thực tế, chỉ cần tiêu thụ 100 mg vitamin C có thể cải thiện sự hấp thụ sắt lên 67%.
Ngoài ra, Vitamin C còn giúp điều chỉnh quá trình vận chuyển và lưu trữ sắt trong cơ thể. Do đó nó hỗ trợ điều trị tình trạng thiếu máu - một tác dụng phụ phổ biến của hóa trị liệu.
Nghiên cứu trên nhóm trẻ em bị thiếu máu do thiếu sắt nhẹ cho thấy việc bổ sung Vitamin C có thể cải thiện tình trạng thiếu máu.
Cách dùng vitamin C để phòng chống ung thư |
Vì Vitamin C là một loại vitamin hòa tan trong nước, được vận chuyển đến các mô thông qua chất lỏng của cơ thể và sẽ được bài tiết qua nước tiểu khi dư thừa. Cơ thể con người không dự trữ hoặc tự sản xuất Vitamin C nên chúng ta cần tiêu thụ thực phẩm giàu Vitamin C hàng ngày.
Theo khuyến cáo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, nhu cầu Vitamin C hàng ngày đối với người trưởng thành là 65-80 mg. Một số loại rau, quả có hàm lượng Vitamin C cao trong 100 g như: rau ngót (185mg), rau mùi tàu (177mg), rau mùi ta (140mg), rau dền đỏ (89mg), rau mồng tơi (72 mg), ổi (200mg), bưởi (95mg), chanh (77mg), kiwi (70mg), cam (40mg), dâu tây (60mg), đu đủ chín (54mg),...
Lưu ý Vitamin C dễ bị oxy hóa và bị phá hủy bởi oxy và nhiệt độ cao. Do vậy để tránh hao hụt vitamin C, cần chọn các loại thực phẩm tươi, không bị bầm dập. Nên nhặt, gọt vỏ rồi rửa nguyên cả lá, củ, quả rồi mới thái, thái xong nấu ngay và nấu xong ăn ngay. Nếu phải bảo quản rau quả tươi cần để trong ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi tối, mát.
Bên cạnh đó, cần lưu ý việc bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến những tác dụng phụ như tiêu chảy và buồn nôn, nghiêm trọng hơn là hiện tượng ứ sắt và sỏi thận (sỏi oxalate canxi). Những tác dụng phụ này thường do uống vitamin C ở dạng bổ sung với liều lượng lớn hơn 2000mg cùng một lúc. Do đó khi sử dụng Vitamin C liều cao cần phải theo chỉ định của bác sỹ.