Hỏi: Tôi sử dụng loại xe máy có hệ thống phanh an toàn ABS. Xin hỏi loại phanh này bảo vệ người đi xe như thế nào?
Hoàng Minh Phúc (Hà Nội)
TS Dương Ngọc Khánh, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội: Phanh ABS là viết tắt của Anti-Lock Braking System, hệ thống chống bó cứng phanh. Sự cần thiết của ABS thể hiện rõ nhất khi xe khó phanh, đường trơn ướt hoặc những tình huống phanh bất ngờ.
Khi phanh gấp gây ra hiện tượng khóa bánh xe, tức là má phanh dính chặt vào đĩa phanh không cho bánh xe quay, làm mất độ bám dẫn đến tai nạn. Vai trò của ABS là phát hiện ra tình huống phanh xấu trước ngay khi nó thực sự xảy ra căn cứ vào lực bóp phanh cũng như tốc độ quay của bánh. Khi ABS kích hoạt, hệ thống duy trì độ trượt của bánh với mặt đường trong giới hạn cho phép.
Hệ thống ABS sẽ hỗ trợ bằng cách bóp và nhả liên tục, hạn chế lực tác động vào đĩa phanh khi người lái bóp hoặc đạp phanh quá nhanh, lực quá lớn và giữ bánh xe vẫn quay. Sau khi tình huống nguy hiểm đã tránh được, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng nhanh hoặc cho tới khi phát hiện mối nguy khóa bánh mới.
Thành phần chính trong bộ cảm biến là loại cảm biến tốc độ. Xe máy trang bị ABS rất dễ nhận ra bởi cấu tạo đặc biệt của đĩa phanh, đó là một đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục quay của bánh xe. Các khe hở này gọi là vòng xung (pulser ring) làm nhiệm vụ đo lường cho cảm biến tốc độ.
Tác dụng chống bánh xe trượt chỉ đem lại độ an toàn tuyệt đối khi có cùng các yếu tố là người điều khiển đúng kỹ thuật, môi trường đảm bảo an toàn. Hoặc nếu khoảng cách an toàn trước khi phanh bị phá vỡ thì khả năng bị đâm va đương nhiên vẫn có thể xảy ra.