<p>Chứng khó tiêu có nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm cảm giác nóng bỏng ở vùng bụng trên, cảm giác đầy khó chịu và đau dạ dày. Tình trạng này thường ít nghiêm trọng, có thể giải quyết bằng cách thực hiện một số thay đổi lối sống bao gồm thói quen ăn uống và thực phẩm tốt cho tiêu hóa.</p> <h2><strong>Thực phẩm tốt nhất cho tiêu hóa</strong></h2> <p>Nước lọc: Để trung hòa acid trong dạ dày, giảm bớt khó tiêu, cần uống khoảng 8 ly nước và chất lỏng mỗi ngày. Nước cũng hỗ trợ tiêu hóa và bài tiết thông qua đường ruột, nhờ đó ngăn ngừa táo bón và làm giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Nên tạo thói quen uống 1 cốc nước trước và sau mỗi bữa ăn. Thay thế thức uống có chứa caffein bằng cách uống nước lọc có thể giảm kích thích lớp niêm mạc dạ dày ruột và cải thiện tốt hơn cho việc tiêu hóa.</p> <p>Thức ăn ít béo: Thức ăn ít chất béo dễ tiêu hóa hơn các thực phẩm giàu chất béo và giúp hạn chế chứng khó tiêu, ợ nóng và các rối loạn tiêu hóa khác. Đó là lý do nên chọn thịt nạc, gà và cá. Nấu, rang hoặc nướng là phương pháp nấu ăn tốt hơn so với chiên xào nhiều dầu mỡ. Chọn sữa ít béo thay cho sữa nguyên chất có thể giúp giảm kích ứng dạ dày và tăng cường tiêu hóa.</p> <p>Sữa chua: Sữa chua là một trong những thực phẩm chữa bệnh tốt nhất cho chứng khó tiêu. Đây là một nguồn cung cấp các vi khuẩn thân thiện probiotic có tác dụng tốt đối với tiêu hóa và sức khoẻ tổng thể. Nhưng nên chọn sữa chua không đường, tốt nhất là tự làm tại nhà thay vì sữa chua thương mại. Sữa chua thương mại thường có chứa một lượng đường bổ sung và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng vi khuẩn trong hệ thống tiêu hóa. Sữa chua có tác dụng tốt nhất khi dùng giữa các bữa ăn hoặc như một món tráng miệng.</p> <p>Cà rốt: Cà rốt cung cấp khoáng chất và enzyme cho cơ thể. Nhai 1 củ cà rốt giúp tăng cường sản xuất nước bọt. Điều này làm đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và làm giảm chứng khó tiêu. Bạn cũng có thể tạo thói quen uống 1 cốc nước ép cà rốt vào buổi sáng để làm sạch cơ thể.</p> <p><img alt="Cách đơn giản trị chứng khó tiêu" src="https://khds.1cdn.vn/2019/02/17/ng_ngay_sau_khi_n_khong_coslowij_cho_tieu_hoa.jpg" title="Cách đơn giản trị chứng khó tiêu" /></p> <p><em>Ngủ ngay sau khi ăn không có lợi cho tiêu hóa.</em></p> <p>Dấm táo: Dấm táo giúp hồi phục dạ dày. Cho 1 thìa cà phê dấm táo vào 1 cốc nước. Thêm 1 muỗng cà phê mật ong. Uống 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.</p> <p>Gừng: Gừng giúp tăng cường enzym ruột để cải thiện sự tiêu hóa. Gừng là “thuốc” trị hiệu quả nhất đối với chứng khó tiêu do ăn quá nhiều. Trộn 2 muỗng cà phê nước ép gừng, 1 muỗng cà phê nước chanh, một nhúm muối và một ít hạt tiêu đen. Trộn hỗn hợp này với một lượng nước vừa đủ cho dễ uống.</p> <p>Cách khác, có thể thêm 2 muỗng canh gừng và 1 muỗng cà phê mật ong vào 1 cốc nước uống cũng giúp giảm chứng khó tiêu. Bạn cũng có thể nhai vài lát gừng rắc một chút muối sau bữa ăn quá nhiều thức ăn để ngăn ngừa chứng khó tiêu.</p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p>Lá húng quế: Được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền Ayurvedic, Ấn Độ để điều trị tiêu chảy, chứng trào ngược và sinh hơi đường ruột. Thả 1 muỗng cà phê lá húng quế trong 1 cốc nước nóng trong 10 phút và uống. Có thể uống 2-3 lần mỗi ngày.</p> <p>Quế: Quế là một trong những thực phẩm chống khó tiêu. Cho 1,5 muỗng cà phê bột quế vào 1 cốc nước sôi. Ngâm trong 5 phút. Để nguội và uống khi còn ấm.</p> <h2><strong>Thực phẩm cần tránh khi bị chứng khó tiêu</strong></h2> <p>Nếu bạn bị chứng khó tiêu, tránh thức ăn khó tiêu hóa và thực phẩm quá béo hoặc cay, bao gồm: Món ăn cay; Thức ăn chiên; Nước giải khát có ga; Đồ uống có cồn và rượu; Sôcôla; Các loại thực phẩm chứa nhiều acid như trái cây có múi, cà chua và hành; Thịt đỏ tăng áp lực cho hệ tiêu hoá.</p> <h2><strong>Lối sống tốt nhất cho hệ tiêu hóa</strong></h2> <p>Ăn các bữa ăn nhỏ. Nhai kỹ và chậm. Dành thời gian thưởng thức bữa ăn bằng cách thư giãn và ăn uống với gia đình hoặc bạn bè.</p> <p>Không hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su khi bạn bị chứng khó tiêu vì điều này có thể gây ra sự xâm nhập của không khí vào dạ dày và cản trở sự tiêu hóa. Nếu bạn chưa bỏ được hút thuốc, đừng hút ngay trước hoặc sau bữa ăn vì khói thuốc lá kích thích lớp niêm mạc ruột.</p> <p>Sau khi ăn, uống 1 tách trà hoặc trà hoa cúc... để ngăn ngừa chứng khó tiêu. Điều này đặc biệt hiệu quả nếu bạn bị ợ nóng hoặc chứng trào ngược dạ dày.</p> <p>Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sự tiêu hóa: Dành 30-60 phút để tập thể dục mỗi ngày sẽ cho kết quả tốt nhất. Thiền, yoga và đi bộ là một số hoạt động có ích. Không tập thể dục ngay sau khi ăn. Đợi ít nhất 1 giờ sau ăn mới tập thể dục.</p> <p>Thay đổi cách bạn ngủ: Đừng đi ngủ hoặc nằm xuống ngay sau ăn nếu bạn bị chứng khó tiêu. Nên chờ cho đến khi giảm đầy bụng và sau đó đi ngủ; Ăn ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ; Và tránh tư thế nằm ngay sau bữa ăn. Trong trường hợp bạn bị khó tiêu vào ban đêm, hãy nâng cao đầu giường hoặc kê cao gối ngủ.</p> <p>Tránh mặc quần áo quá chật, đặc biệt là quanh vùng bụng.</p> <h2><strong>Khi nào cần đi khám?</strong></h2> <p>Do một số trường hợp chứng khó tiêu có thể là triệu chứng của các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây: Giảm thèm ăn; Đau ở phía trên bên phải của bụng; Đau ở phần dưới hoặc phía dưới bên phải của vùng bụng; Giảm cân nặng của cơ thể; Nôn mửa hoặc buồn nôn; Phân có máu hoặc màu đen; Chứng khó tiêu đi kèm ra mồ hôi, thở dốc hoặc đau lan sang cổ, cánh tay hoặc hàm, cần đi khám ngay.</p> <p>Và cuối cùng, khi bạn bị chứng khó tiêu và đã thử áp dụng các biện pháp nêu trên nhưng vẫn không thuyên giảm, nên đi khám và điều trị kịp thời.</p>