BSCKII Phạm Thuý Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hội chứng buồng trứng đa nang có tên khoa học là polycystic ovary syndrome (PCOS), là rối loạn nội tiết thường gặp ở nữ giới.
Buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 - 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.
Buồng trứng đa nang |
Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiều yếu tố, với biểu hiện thường gặp như: béo phì kiểu bụng, vòng kinh không phóng noãn dưới dạng không đều hay không thường xuyên, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn (vô kinh - thiểu kinh - đa kinh, rong kinh, nặng hơn nữa là tình trạng xuất huyết ở tử cung), tình trạng kháng insulin dẫn đến một loạt rối loạn chuyển hóa khác gây cao huyết áp, rối loạn lipid máu (tăng triglyceride, tăng LDL, giảm HDL, tăng vòng bụng)...
Cường androgen buồng trứng dẫn đến các triệu chứng như: rậm lông,mụn trứng cá, hói đầu, rụng tóc.
Buồng trứng đa nang có thể xảy ra ở tuổi rất trẻ (11 tuổi). Người mắc có nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe khác như 50% sẽ bị đái tháo đường trước 40 tuổi, đột quỵ tim tăng hơn so với người cùng tuổi, cao huyết áp; cholesterol, mỡ máu cao và dễ bị ngưng thở khi đang ngủ.
Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang. Việc điều trị thay đổi theo mục đích: điều trị triệu chứng cường androgen hay điều trị vô sinh.
Bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng thuốc nội tiết để giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông, ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này.
Điều trị vô sinh, hiếm muộn, có nhiều phương thức can thiệp như: Giảm cân; điều trị bằng thuốc nội tiết để chống hiện tượng nam hóa, kích thích rụng trứng; phẫu thuật xẻ, đốt nang buồng trứng để tái tạo khả năng rụng trứng tự nhiên; dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản: bơm tinh trùng vào lòng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)…