Cách chữa bệnh độc đáo: Chữa bệnh khi chưa mắc bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Chữa bệnh từ khi chưa có bệnh là thuận theo quy luật biến hóa của âm dương tứ thời là học thuyết độc đáo của y học phương Đông.

“Trị vị bệnh” – chữa bệnh từ khi chưa có bệnh là thuận theo quy luật biến hóa của âm dương tứ thời mà tăng cường phương pháp dưỡng sinh dự phòng, chữa bệnh từ khi bệnh chưa phát từ đó sẽ không mắc bệnh nữa hoặc phát hiện sớm để chữa kịp thời.

Thầy thuốc giỏi không chờ khi có bệnh mới chữa

 Nếu như phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” mới chỉ được đề cập đến một cách chính thống trong trong nền y học hiện đại ở nước ta từ giữa thế kỷ thứ 20 thì trên thực tế, vấn đề này đã được nói đến trong y học cổ truyền phương Đông từ cách đây hơn 2000 năm với nội dung hết sức sâu rộng bằng học thuyết “trị vị bệnh” được ghi lại sớm nhất trong y thư kinh điển “Hoàng đế Nội kinh”.

“Trị vị bệnh” có nghĩa là: chữa bệnh từ khi chưa có bệnh. Sách cổ viết : “Thượng công trị vị bệnh, bất trị dĩ bệnh” (Người thầy thuốc giỏi không chờ tới khi có bệnh mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa có bệnh). Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của y học cổ truyền, quan điểm này luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo  thống suốt trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Dùng thuốc tuy tốt nhưng không dùng còn tốt hơn

Từ xa xưa, những thầy thuốc phương Đông cổ đại không những luôn coi trọng nghiên cứu việc trị liệu, mà còn rất chú ý đến y học dự phòng. Với học thuyết “Trị vị bệnh”, đông y yêu cầu các thầy thuốc cần quán triệt quan điểm “dùng thuốc tuy tốt, nhưng không dùng còn tốt hơn”.

Ngoài ra, cần có sự hiểu biết cả về  y dược học với thiên văn học, địa lý học, triết học, nông học, số học, âm luật học, đạo học, phật học, ẩm thực dinh dưỡng, binh pháp, chính pháp, khí công,…để làm cơ sở thực hiện tốt nhất học thuyết “trị vị bệnh” vì sức khỏe của cộng đồng. Có thể dẫn ra dưới đây một số đoạn kinh văn bàn luận về vấn đề này

Sách “Tố vấn - Tứ khí điều thần đại luận” viết : “Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh, bất trị dĩ loạn trị vị loạn, thử chi vị dã. Phu bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú bình, bất diệc vãn hồ!” (Là thầy thuốc giỏi, không trị khi đã mắc bệnh, mà trị từ lúc chưa mắc bệnh ; không trị khi đã loạn mà trị lúc chưa loạn. Nếu mắc bệnh rồi mới uống thuốc, để loạn lạc rồi mới trị, chẳng khác gì lúc khát mới đào giếng, sắp đánh nhau mới đúc đồ binh, thì cũng đã muộn lắm sao)

Sách “Tố Vấn - Âm dương ứng tượng đại luận” viết: “Tà phong chi chí, tật như phong vũ, cố thiện trị giả trị bì mao, kỳ thứ trị cơ phu, kỳ thứ trị cân mạch, kỳ thứ trị lục phủ, kỳ thứ trị ngũ tạng. Trị ngũ tạng giả, bán tử bán sinh dã”. (Phong tà đến, bệnh như phong vũ, người chữa trị giỏi thì chữa ngay lúc tà khí còn ở bì mao, bậc thứ tiếp trị bệnh ở cơ phu, bậc thứ tiếp thì chữa khi tà khí đã vào tới cân mạch, lại bậc thứ tiếp trị bệnh khi tà khí vào tới lục phủ, lại bậc thứ tiếp trị bệnh khi tà khí vào tới ngũ tạng. Trị tại ngũ tạng, thì một nửa thành công, một nửa thất bại)...    

Sách “Tố Vấn - Thích nhiệt luận” viết : “Thận nhiệt bệnh giả di tiên xích, bệnh tuy vị phát, kiến xích sắc giả thích chi, danh viết trị vị bệnh.” (Người bị thận nhiệt, thấy mép đỏ trước, bệnh tuy chưa phát, nhưng nhìn thấy sắc đỏ thì tiến hành châm cứu luôn, thế gọi là Trị vị bệnh).

Từ đó cho thấy người thầy thuốc thời xưa vô cùng coi trọng việc phòng bệnh nhằm mục đích để không sinh bệnh hoặc ít sinh bệnh, chú ý phát hiện và trị liệu bệnh sớm, coi vấn đề điều trị bệnh từ thời kỳ bệnh mới phát sinh là điều quan trọng.

Theo đó có nghĩa là không nên đợi bệnh hình thành mới điều trị hay nói cách khác là phải dự phòng tích cực và điều trị dự phòng. Khi bệnh vừa phát sinh phải điều trị ngay. Việc trị bệnh như dùng binh, cần nắm vững thời cơ để có thể thành công, không nên để đến khi chính khí đã bị tổn thương mới trị liệu.

Phát triển tầm cao, dập tắt sự nảy sinh của bệnh

Sau “Hoàng đế nội kinh”, tư tưởng học thuyết “Trị vị bệnh” đã được các thày thuốc đời sau tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong cả lý luận và thực tiễn. Ví như, trong sách “Nạn kinh”, nạn thứ 77 viết: “Kinh ngôn thượng công trị vị bệnh, trung công trị dĩ bệnh giả hà tất dã? Nhiên, sở vi trị vị bệnh giả, kiến can chi bệnh, tắc tri can đương truyền chi dư tỳ. Cố tiên thực tỳ khí, vô lệnh đắc thụ can chi tà. Cố viết Trị vị bệnh. Trung công kiến can chi bệnh, bất hiểu tương truyền, đãn nhất tâm trị can. Cố viết Trị dĩ bệnh dã.”(Người thầy thuốc giỏi có thể chữa bệnh khi bệnh chưa phát, thầy thuốc bình thường chỉ có thể chữa bệnh khi bệnh đã phát, điều này giải thích như thế nào? Nói chữa bệnh khi bệnh chưa phát, biết can mộc khắc tỳ thổ, thấy can bị bệnh tất sẽ truyền đến tỳ, cho nên trước tiên phải làm cho tỳ khí đầy đủ trong khi chữa bệnh ở can. Người thầy thuốc bình thường thấy biểu hiện bệnh ở can nhưng không hiểu can ảnh hưởng đến tỳ, nên chỉ tập trung chữa can bệnh mà thôi).

Nạn thứ 13 cũng viết: “Tri nhất vi hạ công, tri nhị vi trung công, tri tam vi thượng công. Thượng công giả thập toàn cửu, trung công giả thập toàn bát, hạ công giả thập toàn lục, thử chi vị dã.” (Biết 1 là bậc hạ công, biết 2 là bậc trung công, biết 3 là bậc thượng công. Bậc Thượng công 10 người chữa khỏi 9, bậc trung công 10 người chữa khỏi 8, bậc hạ công 10 người chỉ chữa khỏi có 6).

Trong sách “Kim quỹ yếu lược”, phần thứ nhất có viết: “Trị vị bệnh, kiến can bệnh, tri can truyền tỳ, đương tiên thực tỳ. Tứ quý tỳ vương bất thụ tà, tức vật bổ chi”. (Trị vị bệnh, thấy bệnh ở can, biết bệnh ở can sẽ truyền đến tỳ, trước tiên phải làm mạnh tỳ khí. Tỳ mạnh bốn mùa không bị tà khí xâm nhập thì không cần phải bổ tỳ)

Tổng hợp ý kiến luận bàn qua các thời đại về tư tưởng Trị vị bệnh, có thể thấy, “vị bệnh” là thuận theo quy luật biến hóa của âm dương tứ thời mà tăng cường phương pháp dưỡng sinh dự phòng, chữa bệnh từ khi bệnh chưa phát từ đó sẽ không mắc bệnh nữa hoặc giả cần phát hiện rất sớm những thay đổi về sắc mạch, khẩn trương điều trị, dập tắt sự nảy sinh của bệnh từ lúc còn manh nha không cho bệnh phát sinh hoặc giả nếu bệnh đã phát sinh thì phải kịp thời nhận thấy quy luật phát triển mà có những biện pháp điều trị dự phòng tích cực để bệnh không chuyển sang thể nặng, mau hồi phục, không để lại di chứng nặng nề và không để truyền biến sang các tạng phủ khác…

Rất thích hợp chữa bệnh nan y

Tóm lại, tư tưởng học thuyết “trị vị bệnh” trong y học cổ truyền phương Đông rất có ý nghĩa trong công tác chữa trị bệnh tật và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay trên nhiều phương diện. Ví như, việc vận dụng học thuyết “trị vị bệnh” trong việc trị liệu các bệnh nan y như viêm gan, viêm thận, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn, lupud ban đỏ, sơ cứng bì, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, ung thư...

 Như chúng ta đã biết, đại bộ phận những bệnh nan y này đều do nội thương gây ra và có thể dùng phương pháp chẩn trị của y học cổ truyền tại thời điểm chưa xác định chính xác bệnh để phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh, đó là sự thay đổi của âm dương khí huyết, chứng trạng, màu sắc, hình dạng, âm thanh, ẩm thực, tình chí, tinh thần, thể lực, tân dịch, lưỡi, mạch…

Tại thời điểm này, dưới sự chỉ đạo của tư tưởng học thuyết “trị vị bệnh”, tiến hành tứ chẩn để phát hiện các chứng trạng của bệnh rồi thực thi biện chứng luận trị. Điều này, giúp cho chính khí thắng tà khí, làm cho bệnh tình sớm thuyên giảm hoặc dừng lại mà không thể phát sinh.

Đây chính là điều có giá trị nhất mà học thuyết “trị vị bệnh” của y học cổ truyền đem lại. Nếu Đông y và Tây y liên kết hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh của hai nền y học thì việc giải quyết các bệnh nan y chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu to lớn.

ThS Hoàng Khánh Toàn (chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top