Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết, hút thuốc lá ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào? Tôi đang hút thuốc, muốn bỏ nhưng khó quá, có cách nào giúp bỏ thuốc lá không?
Đỗ Văn Hạnh (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tim mạch Việt Nam: Khói thuốc có rất nhiều chất độc như nicotin, hắc ín, formaldehyt, cyanid… Hút thuốc lá không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ung thư mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng, bệnh lý đường ruột, giảm khả năng tình dục…
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch, các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng và thời gian hút. Nếu muốn trái tim khỏe mạnh hơn, hãy từ bỏ thói quen hút thuốc ngay lập tức.
Bỏ thuốc là không hề dễ dàng. Theo thống kê, có 70% người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá nhưng chỉ có 5% số người này thành công. Vậy một số lời khuyên cho bạn khi bạn muốn bỏ thuốc thành công:
1. Hãy nói với bác sĩ về việc bạn muốn bỏ hút thuốc và xin lời khuyên.
2. Sử dụng nicotine từ kẹo cao su, thuốc xịt họng để thay thế nicotin từ thuốc lá. Lưu ý không nên hút thuốc lá khi đang dùng nicotin thay thế.
3. Chọn một ngày đặc biệt để tiến hành bỏ hút thuốc và cam quyết với bản thân cũng như những người thân của bạn rằng bạn thực sự muốn bỏ thuốc. Nếu lần đầu bạn chưa bỏ thuốc lá thành công, đừng từ bỏ quyết tâm của mình, nhiều người bỏ thuốc lá sau vài lần cố gắng.
4. Hãy thay đổi thói quen hằng ngày, vứt gạt tàn thuốc lá đi, quét dọn nhà của, giặt quần áo hoặc đi dã ngoại với gia đình, bạn bè.
Một đến ba tuần sau khi bỏ thuốc lá, bạn sẽ thấy bồn chồn, lo âu, khó chịu, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn nhiều, đau đầu… sau đó các triệu chứng đó hết dần.