Gốc tự do mất ổn định gây lão hóa và bệnh tật
PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, lão hóa (già) là tình trạng thoái hóa các cơ quan, tổ chức dẫn tới suy giảm các chức năng của cơ thể sống và cuối cùng là tử vong. Biểu hiện bên ngoài của lão hóa là: yếu đuối, mờ mắt, đục nhân mắt, đi lại chập chạp, da dẻ nhăn nheo, trí nhớ giảm, các phản xạ chậm chạp.
Biểu hiện bên trong là khối lượng não giảm, các tuyến nội tiết nhỏ dần, các chức năng sinh lý giảm: chức năng tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, sinh dục, bài tiết...; Khả năng nhiễm bệnh tăng: bệnh tim mạch, bệnh xương khớp, bệnh hô hấp, bệnh thần kinh, bệnh chuyển hóa...; Xơ cứng động mạch...
Theo PGS.TS Trần Đáng, con người khi sinh ra luôn luôn có ước vọng muốn sống lâu, trẻ lâu. Nhưng sự lão hóa lại là quá trình tất yếu và được lập trình về mặt di truyền. Theo học huyết chương trình hóa (Program Theory), trong mỗi cơ thể đã chứa sẵn các thông tin về sự già, tức là sự già đã được chương trình hóa ở trong cơ thể, theo năm tháng con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già nua, rồi chết.
Còn theo Học thuyết gốc tự do (Free Radical Theory - FR) là các nguyên tử, phân tử hoặc các ion có các điện tử lẻ đôi ở vòng ngoài nên mang điện tích âm và có khả năng oxy hóa các tế bào, các phân tử, nguyên tử khác. Bình thường các gốc tự do bị phân hủy bởi các chất chống oxy hóa (anti oxydant - AO) và gốc tự do (FR).
Nếu FR chiếm ưu thế, tốc độ già nua sẽ nhanh hơn, chúng sẽ làm hư hại các tổ chức, cơ quan của cơ thể, các gốc tự do làm mất đi tính ổn định cấu trúc Phospholipoprotein màng tế bào, phá hủy nhanh và không phục hồi những thành phần và cấu trúc tế bào.
Gốc tự do gây ra các phản ứng có hại, là thủ phạm của rất nhiều quá trình bệnh lý trong cơ thể như: Bệnh tim mạch, viêm khớp, viêm dạ dày – ruột, thoái hóa võng mạc, đục thủy tinh thể, viêm giác mạc, đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh thần kinh, ung thư...
Chất oxy hóa thiên nhiên chống lại gốc tự do
PGS.TS Trần Đáng chia sẻ, để đạt được ước vọng, sống lâu, trẻ lâu loài người qua các giai đoạn luôn tìm kiếm, nghiên cứu các sản phẩm “trường sinh bất lão” mà các vua chúa vẫn gọi là kim đan.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lão hóa, ở đây chỉ bàn về gốc tự do và các chất chống oxy hóa. Theo đó, người ta đã xác định được gốc tự do là thủ phạm của hơn 60 bệnh thường gặp.
Hằng ngày cơ thể sản sinh ra khoảng 10.000.000 gốc tự do, song chúng bị phá hủy bởi các chất chống oxy hóa do đồ ăn thức uống cung cấp để đảm bảo thế cân bằng.
Theo PGS.TS Trần Đáng, các chất chống oxy hóa có ở rất nhiều các loại thực phẩm thực thiên nhiên. Càng ngày khoa học càng nghiên cứu và giải thích được cơ chế tác dụng của chúng.
Ví dụ, vitamin C có mặt trong nguyên sinh chất của tế bào và trong huyết tương có tác dụng thu lượm và quét dọn các gốc tự do; Vitamin E có mặt trong màng sinh học của tế bào và trong Lipoprotein huyết tương, có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của chuỗi oxy hóa gốc trong lipid; Các Carotenoid là chất quét dọn gốc superoxyd mạnh gấp 20 – 100 lần vitamin E; Các Flavonoid là những polyphenol, là những phân tử bé, có hoạt tính kháng oxy hóa rất cao. Nguồn cung cấp chủ yếu Flavonoid là rau quả.
Để bổ sung các chất chống oxy hóa nên dựa vào công dụng của nó có trong thực phẩm tự nhiên. Chẳng hạn: Vitamin C phá hủy các gốc tự do có nhiều trong các loại quả (chanh, cam...) và các loại rau; Vitamin E và các đồng phân phá hủy các gốc tự do trong hệ lipid có nhiều trong rau, quả, hạt, dầu thực vật; β-Caroten và các đồng phân α,y phá hủy các gốc tự do, tăng khả năng sinh sản có nhiều trong gấc, cà rốt, bí ngô, xoài, mướp đắng; Lycopen phòng, hỗ trợ điều trị ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi có trong cà chua, gấc; Epigallocatechingall chống oxy hóa ngăn chặn các khối u (hỗ trợ điều trị ung thư, làm giảm cholesterol máu có trong chè xanh; Bioflavonoid chống oxy hóa bảo vệ thành mạch có trong vỏ cam, chanh, quýt, bưởi; Alliein làm tan cục máu đông, giảm cholesterol, chống vữa xơ động mạch, điều chỉnh nhịp đập tim, hạ huyết áp, ức chế phát triển khối u phổi và khối u khác có trong hành, tỏi....
Trong các chất chống oxy hóa, xếp hàng đầu là 3 nhóm: β-Carotene (Vitamin A); α-Tocophenol (Vitamin E); Và Ascorbic axit (Vitamin C). Các loại vitamin và provitamin này có nhiều trong các loại quả tươi chính như: xoài, cam, quýt, đu đủ, chanh, ớt, bí ngô, gấc, cà rốt và nhiều loại củ, quả, lá khác.