Cách bảo vệ lá phổi khi thời tiết lạnh

Thời tiết lạnh sâu, hanh khô hoặc độ ẩm quá cao kèm theo chất lượng không khí liên tục ở ngưỡng báo động chính là những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe của lá phổi trong mùa đông.

Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh. Trời lạnh khiến khả năng bảo vệ của cơ thể suy giảm, khiến mầm bệnh dễ dàng xâm nhập cơ thể hơn, gây viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng... Bên cạnh đó, thời tiết lạnh khô khiến các bệnh hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... trở nặng.

Bảo vệ lá phổi thời tiết lạnh. Ảnh minh họa

Bảo vệ lá phổi thời tiết lạnh. Ảnh minh họa

Do đó, mỗi người cần chủ động tránh xa yếu tố gây hại đến phổi và hệ hô hấp, đồng thời chú trọng các bước bảo vệ phổi bằng các biện pháp đơn giản.

Giữ ấm cơ thể, đường hô hấp

Nhiễm lạnh là yếu tố nguy cơ gây ra viêm phổi. Chính vì thế, việc giữ ấm cơ thể và đường hô hấp trong thời tiết lạnh là ưu tiên hàng đầu. Khi trời chuyển lạnh, hãy luôn giữ ấm người, cổ, chân bằng áo ấm, khăn quàng, găng tay, tất chân.

Thay vì mặc một lớp áo dày hãy mặc nhiều lớp quần áo mỏng để cơ thể được giữ ấm tối ưu. Với không gian trong nhà, bạn có thể sử dụng thêm quạt sưởi, điều hòa nhưng tránh để nhiệt độ trong phòng và ngoài trời chênh lệch quá nhiều.

Duy trì các bài tập thở

Duy trì các bài tập thở hoặc yoga giúp tăng dung tích phổi. Khi thời tiết bên ngoài quá lạnh hay ô nhiễm, tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ hoặc chạy bộ trong nhà cũng có lợi. Người mắc bệnh phổi mạn tính nên cân nhắc chọn bài tập phù hợp thể lực, không gắng sức, tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hít thở bằng cách chu môi nhẹ có thể làm chậm nhịp thở của bạn, điều này sẽ làm đường thở của bạn có thêm thời gian thư giãn để phổi hoạt động dễ dàng hơn. Bạn hãy thực hiện theo những bước sau: Hít vào từ từ bằng mũi. Chu nhẹ đôi môi như sắp thổi nến rồi thở ra thật chậm. Thời gian thở ra có thể gấp đôi thời gian hít vào. Lặp lại động tác này liên tục trong khoảng 3-5 phút.

Tăng cường dinh dưỡng

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết là cách đơn giản nhất để tăng sức đề kháng. Để phòng bệnh viêm phổi mùa đông, bạn nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng 4 nhóm chất gồm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

Uống đủ nước

Uống đủ nước rất quan trọng đối với phổi do giúp lớp màng nhầy mỏng trong đường hô hấp không bị dày lên, tránh gây khó thở. Đối với người mắc COPD, uống đủ nước còn giúp dễ dàng ho ra chất nhầy trong phổi, giảm khó chịu và khó thở.

Vệ sinh, làm sạch đường thở thường xuyên

Các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Để bảo vệ hệ hô hấp khỏi sự tấn công của các tác nhân này, người bệnh cần đảm bảo đường thở luôn thông thoáng, sạch sẽ bằng cách sử dụng nước muối.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nước muối có rất nhiều công dụng như làm sạch vết thương, vệ sinh mũi, cổ họng và bù nước. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sẽ giúp tiêu diệt các chất gây dị ứng, làm sạch chất nhầy và bụi bẩn, làm ẩm màng nhầy. Nhờ đó giúp đường thở được thông thoáng và ngăn các loại bệnh tật.

Có thể rửa trực tiếp mũi họng trực tiếp với nước muối hoặc xông để giảm bớt sự khó chịu và giúp thẩm thấu tốt hơn, giúp hỗ trợ việc vệ sinh mũi họng được sạch hơn.

Bên cạnh nước muối, cũng có thể vệ sinh mũi họng bằng các sản phẩm sát khuẩn chuyên dụng khác.

Những đối tượng nào dễ bị viêm phổi vào mùa đông?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị viêm phổi trong mùa đông. Trong đó, trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi,… là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với tỷ lệ mắc viêm phổi rất cao.

Trẻ em dưới 5 tuổi: Đây là đối tượng có hệ hô hấp và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ mắc bệnh luôn ở mức cao, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tháng tuổi. Thống kê cho thấy, trong số gần 800.000 trẻ trên thế giới tử vong do viêm phổi thì có đến 22% là trẻ từ 1 - 5 tuổi. Do đó, việc bảo vệ trẻ em bằng các mẹo kiểm soát bệnh viêm phổi mùa đông là rất cần thiết.

Người cao tuổi: Tuổi cao, hệ miễn dịch suy giảm cùng với bệnh lý nền như COPD, tim mạch, tiểu đường, hen suyễn,... chính là yếu tố thúc đẩy tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi vào mùa đông. Nếu không điều trị kịp thời, người cao tuổi bị viêm phổi mùa đông rất dễ gặp biến chứng nặng nề như suy hô hấp, thở máy, chạy ECMO, thậm chí tử vong.

Phụ nữ mang thai: Trong giai đoạn mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ sẽ giảm đi đáng kể, do đó nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn người bình thường. Chính vì vậy, đây cũng thuộc nhóm đối tượng cần nắm được các mẹo kiểm soát bệnh viêm phổi mùa đông để chủ động bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ biến chứng viêm phổi.

Theo Đời sống
back to top