Cách bảo quản thực phẩm đúng cách trong thời tiết nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thực phẩm càng phải được chú ý nhiều hơn để tránh vi khuẩn tấn công gây ngộ độc hoặc lãng phí tiền bạc vì phải đổ bỏ thực phẩm hư hỏng.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách bảo quản các loại rau xanh

Một trong những tình trạng thường gặp khi bảo quản rau xanh trong tủ lạnh đó là rau dễ bị nát, úng, thối phải bỏ đi rất nhiều.

Cách bảo quản rau xanh đúng cách: Rau xanh sau khi mua về cần tiến hành phân loại. Rau nào ăn trước, loại nào ăn sau. Với những rau chưa ăn ngay thì không nên rửa hay ngâm nước vì nước sẽ làm rau cực kỳ nhanh úng, chất bẩn ngấm vào rau sẽ khiến rau nhanh hư hơn. Ngoài ra, nên bảo quản rau xanh ở các khu vực ít tiếp xúc với nước, ví dụ như một số tủ lạnh bị rỉ nước, tiếp xúc rau sẽ khiến rau cực kỳ nhanh hỏng. Thời gian bảo quản rau tối đa là 1 tuần, tốt nhất là trong 3 ngày kể từ khi mua.

Cách bảo quản thực phẩm tươi sống

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm tươi sống cần đặc biệt ghi nhớ đó là hãy hạn chế tối đa việc dự trữ nhiều và bảo quản trong thời gian lâu. Bởi đây là nhóm thực phẩm cực kỳ dễ hư hỏng, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay. Nếu dự trữ nhiều, để lâu trong tủ lạnh, thực phẩm sẽ mất đi dinh dưỡng, không còn tươi ngon và khả năng hư hỏng cũng rất cao.

Cách bảo quản thực phẩm tươi sống đúng: Thực phẩm tươi sống sau khi mua về nên sơ chế qua, rửa sạch, để ráo. Với những thực phẩm dùng trong ngày chị em cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với những thực phẩm dùng để dự trữ dùng dần, nên chia nhỏ từng phần rồi mới cho vào ngăn đông, cách này sẽ tránh tình trạng lấy ra cho vào thực phẩm quá nhiều lần dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công làm hỏng thực phẩm.

Cách bảo quản rau củ quả và trái cây

Cách bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng với rau củ quả thì thời gian giữ được lâu sẽ cao hơn những thực phẩm khác. Với bông cải, cải bắp… nên dùng giấy báo bọc kín sẽ giữ được lâu hơn. Đặc biệt với một số rau củ quả như củ dền, củ đậu… chỉ cần bỏ ở nơi mát mẻ, không cần bảo quản trong tủ lạnh.

Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn giữa các lần sử dụng

Không nên để thịt sống tiếp xúc với các thực phẩm khác và thực phẩm đã nấu chín. Nên sử dụng hai loại thớt riêng biệt cho thực phẩm sống và chín. Hạn chế sử dụng thớt gỗ vì đây là môi trường tốt cho vi sinh vật trú ngụ và phát triển.

Rửa tay sạch trước khi sơ chế, chế biến thực phẩm

Tay bẩn là một trong những cách phổ biến nhất khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Do đó, phải rửa tay sạch trước khi sờ hoặc chạm vào thực phẩm.

Trong quá trình chế biến, bạn nhớ rửa tay sạch sau khi bạn chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm đã được làm chín, tránh nhiễm khuẩn chéo

Xử lý thực phẩm còn thừa

Không nên để bên ngoài quá 2 giờ với những thực phẩm đã được chế biến và thừa lại sau bữa ăn. Thức ăn này có thể bị nhiễm khuẩn và làm biến đổi, gây ngộ độc khi sử dụng lại.

Bạn hãy bỏ những thực phẩm còn thừa này vào từng hộp và giữ chúng ở trong tủ lạnh, đông lạnh để kéo dài thời gian bảo quản hơn.

Loại bỏ thực phẩm nếu nghi ngờ bị hỏng

Khi bạn nghi ngờ thực phẩm chuẩn bị sử dụng có thể đã bị nhiễm khuẩn và hỏng, hãy mạnh dạn bỏ chúng đi. An toàn thực phẩm cần đặt lên hàng đầu.

Theo Đời sống
back to top