Cách bào chế tam thất trị bệnh cho đúng

Tam thất có nhiều cách bào chế và cách chế khác nhau thì công dụng cũng không giống nhau. Vì vậy, tùy mục đích sử dụng để bào chế cho đúng.
Ảnh minh họa

Tam thất tùy cách sử dụng để bào chế cho đúng

Hỏi: Tôi thường dùng tam thất khô say uống sống nhưng mới được cho tam thất tươi. Bạn tôi bảo dùng tam thất tươi rất tốt. Tôi không rõ có sự khác biệt gì? Cách bào chế ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất?

Lê Thị Thắm (Hà Nội)

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108: Theo dược học cổ truyền, tam thất có nhiều cách bào chế và cách chế khác nhau thì công dụng cũng không giống nhau. Thông thường tam thất được dùng dưới 3 dạng:

Dùng tươi, rửa sạch, giã nát và đắp lên tổn thương.

Dùng sống, rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi thái phiến hay tán thành bột, thường dùng để chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, xích lỵ, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim, bệnh gan…

Dùng chín, hay còn gọi là thục tam thất, rửa sạch, ủ rượu cho mềm rồi thái mỏng sao qua, tán bột hoặc rửa sạch, thái mỏng rồi sao với dầu thực vật cho đến khi có màu vàng nhạt rồi đem tán bột, thường dùng với mục đích bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc.

Dùng sống chủ yếu để tán ứ chỉ huyết, tiêu thũng định thống; dùng chín chủ yếu để bồi bổ. Liều dùng thông thường: mỗi ngày sắc uống từ 5 – 10g, uống bột từ 1,5 – 3,5g, dùng ngoài không kể liều lượng.

TN (ghi)

Theo VietnamDaily
back to top