Cách ăn uống phòng tránh đầy hơi, chướng bụng

Chướng bụng đầy hơi là một vấn đề về tiêu hóa rất phổ biến, người bệnh thường có cảm giác tức bụng, căng do lượng khí trong đường tiêu hóa tăng lên.

Chướng bụng đầy hơi là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Cảm giác này có thể tiến triển từ nhẹ, trung bình đến đau dữ dội, thường biến mất sau một thời gian. Chướng bụng đầy hơi có thể do rối loạn tiêu hóa hoặc sinh lý (thay đổi hormon theo chu kỳ ở phụ nữ). Các triệu chứng đi kèm có thể là buồn nôn, nôn, ợ chua, đau bụng, táo bón. Tình trạng này có thể là cấp tính khi xuất hiện đột ngột, bất thường hoặc mạn tính kéo dài trở thành mối lo ngại cho sức khỏe.

Cách ăn uống phòng tránh đầy hơi, chướng bụng. Ảnh minh họa

Cách ăn uống phòng tránh đầy hơi, chướng bụng. Ảnh minh họa

Chướng bụng đầy hơi đến từ nhiều nguyên nhân như táo bón gây tích tụ phân và ứ đọng các chất trong đường tiêu hóa; không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS); nhiễm trùng đường ruột; liệt dạ dày ảnh hưởng đến việc chậm làm rỗng dạ dày sau ăn, gây đầy hơi chướng bụng, trào ngược, buồn nôn và nôn… Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc lâu ngày như thuốc kháng sinh, giảm đau sẽ khiến các lợi khuẩn giảm mạnh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển gây ra chứng đầy hơi.

Ăn gì để hết chướng bụng đầy hơi?

Có nhiều cách để giảm tình trạng chướng bụng đầy hơi, trong đó việc điều chỉnh chế độ ăn uống với những loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là hiệu quả nhất. Vậy ăn gì để hết chướng bụng đầy hơi?

Sữa chua lợi khuẩn

Một hệ vi sinh đa dạng với lượng lớn những vi sinh vật có lợi bên trong đường ruột của con người giúp điều chỉnh hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột.

Nếu thắc mắc ăn gì để hết chướng bụng đầy hơi, hãy nhớ đến sữa chua lợi khuẩn. Sữa chua có chứa nhiều men vi sinh, là loại vi khuẩn có lợi sống trong đường tiêu hóa giúp bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, có tác dụng làm dịu chứng viêm. Đặc biệt, nếu bị chướng bụng đầy hơi, sữa chua sẽ giúp ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn.

Đu đủ

Enzym papain trong quả đu đủ giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi hơn và dễ dàng đào thải các chất khí hơi bị ứ đọng. Ngoài ra, đu đủ cũng rất giàu vitamin A và chất xơ, do vậy ăn đu đủ vừa có lợi cho hệ tiêu hóa và cả sức khỏe tổng quát.

Bạn có thể ăn đu đủ sống như trái cây và chín như canh đu đủ. Tuy nhiên người đang mắc bệnh dạ dày không nên ăn đu đủ.

Quả dứa

Bromelain, một loại enzym tiêu hóa có trong quả dứa giúp phá vỡ các protein trong dạ dày gây đầy hơi. Do vậy ăn dứa hay uống sinh tố dứa có thể cải thiện chứng đầy hơi hoặc tiêu hóa kém.

Chuối

Ăn quá nhiều natri là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể giữ nước. Ăn các thực phẩm giàu kali như chuối sẽ giúp thải nước và natri ra ngoài cơ thể và có tác dụng giảm chướng bụng đầy hơi.

Để giảm chướng bụng, chống táo bón, đầy hơi hiệu quả, bạn nên ăn chuối còn hơi xanh, chứa nhiều tinh bột kháng và ít đường lên men.

Táo

Trong táo rất giàu pectin và protopectin, giúp tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn. Táo cũng giúp kích thích nhu động ruột, tăng co bóp đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Từ đó giảm tình trạng đầy hơi chướng bụng khó tiêu.

Nên ăn trực tiếp táo tươi thay vì nước ép táo. Có thể ăn cả phần vỏ vì phần vỏ chứa nhiều vitamin, chất xơ có lợi cho sức khỏe.

Lá tía tô

Lá tía tô có tính ấm, vị cay, giải độc, trừ hàn, lợi vào kinh tỳ, phế. Dân gian thường sử dụng lá tía tô để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn. Bởi trong tía tô chứa nhiều hoạt chất có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như lỵ, tụ cầu, trực khuẩn ruột kết, … và tăng cường nhu động dạ dày, ruột.

Dưa leo

Ăn dưa leo giúp bổ sung nhiều nước. Do đó quá trình tiêu hóa trơn tru hơn, giảm chướng bụng, giúp phân mềm hơn. Trong dưa leo cũng chứa một số loại flavonoid có tác dụng chống viêm, chứa một số chất chống oxy hóa, vitamin cần thiết cho cơ thể.

Mẹo ăn uống giúp cải thiện chứng đầy hơi

Ăn nhiều bữa nhỏ: Triệu chứng đầy hơi thường cải thiện nếu chúng ta ăn 4-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, thay vì ba bữa chính với lượng thức ăn nhiều hơn.

Ăn chậm, nhai kỹ: Quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng, vì vậy thức ăn cần được nhai kỹ trước khi nuốt.

Tránh kẹo cao su và đồ uống có gas: Nhai kẹo cao su khiến chúng ta nuốt nhiều không khí hơn. Điều này có thể làm tăng đầy hơi.

Không hút thuốc: Hút thuốc khiến mọi người nuốt nhiều không khí hơn, và nó cũng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa.

Chọn các sản phẩm sữa có hàm lượng lactose thấp: Loại bỏ thực phẩm chứa nhiều lactose có thể cải thiện các triệu chứng đầy hơi.

Chọn đậu lên men: Loại đậu này có ít chất xơ hòa tan hơn và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và có thể giảm đầy hơi.

Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, và điều này có thể giúp giảm đầy hơi và chướng bụng hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top