<p><strong>Vì sao thuốc gây thiếu hụt dưỡng chất?</strong></p> <p>Sự thiếu hụt dưỡng chất là một trong những tác dụng phụ của thuốc, xảy ra do thuốc ngăn chặn quá trình hấp thu, dự trữ, chuyển hóa hoặc tổng hợp những dưỡng chất quan trọng của cơ thể. Khi những chất này bị thiếu hụt trong thời gian dài có thể gây nên các vấn đề sức khỏe khác nhau, tuy nhiên, tác dụng phụ đáng chú ý này lại thường bị các bác sĩ, dược sĩ bỏ qua.</p> <p><img alt="Khi dùng thuốc cần sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM" src="https://khds.1cdn.vn/2018/11/24/2_resize.jpg" title="Khi dùng thuốc cần sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM" /></p> <p><em>Khi dùng thuốc cần sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM</em></p> <h2><strong>Thuốc nào gây thiếu hụt dưỡng chất và cách khắc phục ra sao?</strong></h2> <p><em>Thuốc ức chế bơm proton</em></p> <p>Thuốc ức chế bơm proton (như omeprazole, esomeprazole…) thường được kê đơn trong các trường hợp ợ nóng, ngăn ngừa và điều trị loét dạ dày. Thuốc có tác dụng ức chế tiết acid, do đó làm giảm hấp thu những dưỡng chất cần môi trường acid để hấp thu là sắt, canxi, magie, vitamin C và B<sub>12</sub>. Thiếu canxi trong thời gian dài có thể gây loãng xương, thiếu magie có thể dẫn đến chuột rút, chán ăn. Thiếu sắt có thể gây ra các chứng bệnh thiếu máu khiến người bệnh mệt mỏi, khó thở, bồn chồn và rụng tóc. Người cao tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do họ thường phải dùng thuốc trong thời gian dài, cộng với việc họ thường sẵn có các vấn đề về hấp thu do tuổi tác và thường không ăn nhiều.</p> <p>Do đó, trong quá trình dùng thuốc nhóm này, cần phải dùng thêm một số thực phẩm giàu dưỡng chất như: rau, đậu và thịt bò, gan gà, hàu, nghêu, bơ, sữa, phomat...</p> <p><em>Thuốc hạ lipid máu nhóm statin</em></p> <p>Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, bảo vệ người bệnh trước các nguy cơ tim mạch, nhưng nó lại gây thiếu hụt co-enzyme Q10 - một loại enzyme cần thiết cho sản sinh năng lượng, đặc biệt là ở các cơ, kể cả cơ tim. Thiếu co-enzyme Q10 có thể gây ra chuột rút ở chân, một số ít trường hợp có thể bị yếu cơ, khó thở và rối loạn trí nhớ.</p> <p>Tuy nhiên, khi bị chuột rút, không nên tự ý ngừng thuốc mà nên đến gặp bác sĩ để được đổi sang một thuốc statin khác, bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng bổ sung CoQ10.</p> <p><em>Thuốc tránh thai đường uống</em></p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p>Phụ nữ uống thuốc tránh thai trong thời gian dài có thể bị thiếu rất nhiều dưỡng chất quan trọng.Thiếu hụt acid folic và vitamin B<sub>12</sub> có thể dẫn đến các tình trạng thiếu máu. Thiếu vitamin B<sub>2</sub> có thể gây ra các triệu chứng như: viêm miệng lưỡi, viêm da nhẹ hoặc viêm kết mạc mắt. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai dài ngày còn có thể dẫn đến triệu chứng tắc nghẽn mạch máu ở mức nhẹ. Để hạn chế tình trạng này, phụ nữ cần bổ sung vitamin và khoáng chất này bằng các loại thực phẩm chức năng, các loại vitamin và khoáng chất tổng hợp chứa các phức hợp vitamin B, kẽm, magie và selen, kết hợp bổ sung bằng thực phẩm hàng ngày.</p> <p><em>Thuốc lợi tiểu</em></p> <p>Thuốc lợi tiểu được chỉ định trong điều trị các bệnh tim mạch như suy tim, tăng huyết áp. Thuốc có tác dụng tăng sự đào thải muối và nước ở thận, kéo theo đó là sự thay đổi nồng độ kali trong cơ thể, làm tăng hoặc giảm lượng kali tùy vào từng loại thuốc lợi tiểu khác nhau. Kali máu thấp có thể khiến bệnh nhân thấy buồn nôn, lờ đờ. Ngược lại, kali máu cao có thể gây chóng mặt, choáng váng, bất thường nhịp tim. Do đó, bệnh nhân điều trị dài ngày bằng thuốc lợi tiểu cần kiểm tra nồng độ kali máu thường xuyên. Bệnh nhân cần được bổ sung kali trong trường hợp sử dụng các thuốc lợi tiểu gây mất kali như furosemide, hydroclorothiazide, indapamide...</p> <p>Tuy nhiên, nếu trong những thuốc điều trị bệnh tim mạch của bệnh nhân có các thuốc ức chế men chuyển như captopril, perindopril, lisinopril... sẽ không cần bổ sung kali do những thuốc này có tác dụng tăng kali máu sẽ bù trừ cho tác dụng gây mất kali của thuốc lợi tiểu. Tránh phối hợp với những thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolactone, amiloride do nguy cơ cao tăng kali máu.</p> <p><em>Thuốc điều trị đái tháo đường</em></p> <p>Metformin là thuốc đầu tay trong điều trị đái tháo đường type 2 hiện nay, tuy nhiên, loại thuốc này lại khiến bệnh nhân thiếu hụt vitamin B<sub>12</sub>. Đây là một loại vitamin cần thiết cho sự sinh năng lượng, hoạt động thần kinh và sự tạo thành hồng cầu. Thiếu vitamin B<sub>12</sub> có thể gây đau cơ, lú lẫn, mệt mỏi, tổn thương thần kinh, thiếu máu, thay đổi tâm trạng. Bệnh nhân điều trị bằng metformin nên được kiểm tra mức vitamin B<sub>12</sub> hàng năm. Bổ sung vitamin B<sub>12</sub> bằng đường uống hoặc đường tiêm, kết hợp bổ sung bằng các loại thực phẩm như cá, trứng, thịt lợn, gan động vật, sữa và các sản phầm từ sữa...</p> <p><em>Các thuốc steroid</em></p> <p>Các thuốc chống viêm corticosteroid như prednisone, prednisolone, dexamethasone được chỉ định rất nhiều trong các bệnh như hen phế quản, viêm khớp, viêm thần kinh, viêm mũi dị ứng... Các thuốc này ảnh hưởng đến nồng độ canxi và vitamin D trong cơ thể, làm giảm hấp thu canxi ở ruột do đối kháng vitamin D và tăng đào thải canxi tại thận. Bệnh nhân điều trị bằng thuốc steroid liều cao trong thời gian dài cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chủ động bổ sung canxi và vitamin D đề phòng loãng xương. Ngoài ra, các thuốc steroid cũng làm giảm lượng kali của cơ thể.</p> <p>Bệnh nhân nên uống dạng viên bao đường, viên bao phim để giảm kích thích niêm mạc dạ dày và hạn chế ảnh hưởng lên sự hấp thu dưỡng chất. Các thuốc steroid dạng hít, bôi ngoài da ít hấp thu nên thường không gây ra tác dụng phụ này.</p> <p><em>Thuốc kháng sinh</em></p> <p>Thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh nhưng chúng cũng tiêu diệt luôn các “vi khuẩn tốt” làm đảo lộn sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt là khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng trong thời gian dài. Tác dụng này có thể gây ra tiêu chảy dẫn đến mất các loại muối khoáng như natri và kali, các vitamin tan trong nước như vitamin C và kẽm. Ở những người khỏe mạnh, cơ thể có thể tự bổ sung các chất này trong vài ngày. Tuy nhiên, những đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai rất dễ bị tổn thương, suy giảm muối khoáng có thể dẫn đến kiệt sức, mệt mỏi, nôn, chuột rút. Do vậy, cần được bổ sung nước và muối khoáng bằng các dung dịch bù nước chứa glucose, muối natri và kali, điển hình là oresol.</p> <p>Sau quá trình sử dụng kháng sinh, cần phải bổ sung thêm nguồn thực phẩm như sữa chua, rau cải chua và men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột..</p> <p><strong>DS. Lê Thị Quỳnh</strong></p> <div> <div> <div> <div> </div> <div> </div> </div> </div> <div> <div> </div> </div> </div>