Tự quản lý các yếu tố thoái hóa
Đặc điểm tổn thương: Khớp gối do tính chất sụn khớp không có mạch máu nuôi và thần kinh, dẫn đến khả năng tái tạo thấp và khả năng tự chữa lành rất hạn chế. Thoái hóa là kết quả của một chuỗi biến đổi lâu dài chứ không phải chỉ là “sự hao mòn” khớp, bào mòn và phá vỡ sụn khớp là kết quả cuối cùng của quá trình thoái hóa. Sinh bệnh học của thoái hóa khớp liên quan đến sự kết hợp của các quá trình cơ học, tế bào và sinh hóa.
Sự phá hủy khớp xảy ra trong giai đoạn đầu của thoái hóa dẫn đến mất cân bằng các chất trung gian gây viêm của khớp, thúc đẩy thoái hóa sụn tiếp diễn, thoái hóa chất nền ngoại bào, viêm hệ thống, chết theo chương trình của sụn, phản ứng tạo xương và tái tạo xương mới (hình thành gai xương, đặc xương dưới sụn).
Khi bệnh nhân thoái hóa khớp gối có triệu chứng cần lựa chọn các phương pháp điều trị như sau:
- Bệnh nhân làm theo hướng dẫn của bác sĩ tự quản lý các yếu tố nguy cơ của thoái hóa: tập thể dục, giảm cân, vật lý trị liệu và sử dụng nẹp chỉnh hình.
- Các thuốc điều trị bao gồm thuốc chống viêm tại chỗ; thuốc chống viêm không steroid (NSAID) uống; thuốc chống thoái hóa (glucosamine và chondroitin sulfate) và các liệu pháp tiêm.
Tiêm khớp gối. |
Lợi ích của các phương pháp tiêm
4 liệu pháp tiêm chính được sử dụng hiện nay là gồm:
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP là một sản phẩm máu tự thân được tạo ra bằng cách lấy một lượng nhỏ máu ngoại vi, cô đặc mẫu máu đó thông qua ly tâm, sau đó tách phần huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao và tiêm vào ổ khớp. Huyết tương giàu duy trì cân bằng nội môi mô, điều chỉnh phản ứng viêm và đông máu của cơ thể... giúp giảm đau và phục hồi tế bào sụn khớp.
Corticosteroid: Sử dụng corticosteroid tiêm khớp là một trong những phương pháp điều trị áp dụng rộng rãi. Corticosteroid mang lại hiệu quả trong 4 - 6 tuần sau khi tiêm. Ngoài các tác dụng phụ như giảm sắc tố da, teo da và hoại tử mỡ, việc sử dụng corticosteroid có thể dẫn đến tổn thương sụn ở một số bệnh nhân (khoảng 0,7 - 3%).
Axit Hyaluronic (HA): HA là một thành phần không thể thiếu của chất lỏng hoạt dịch khớp, cung cấp chất bôi trơn, giảm sóc cho khớp và vận chuyển chất qua màng hoạt dịch. Vì nồng độ HA giảm ở khớp gối khi bị thoái hóa, sự tăng độ nhớt bằng bổ sung HA ngoại sinh hy vọng sẽ khôi phục các chức năng đàn hồi cho khớp bị ảnh hưởng.
Tế bào gốc: Điều trị bằng tế bào gốc đã được chú ý gần đây như một phương pháp mới điều trị thoái hóa khớp gối, với phần lớn các nghiên cứu tập trung vào tế bào gốc trung mô (MSC) vì chúng có khả năng biệt hóa thành nguyên bào xương, tế bào mỡ, tế bào sụn và nguyên bào sợi tùy thuộc vào phương pháp kích thích và tiềm năng biệt hóa.
Cô đặc dịch hút từ tủy xương (BMAC) là một phương pháp phổ biến để cung cấp MSC vì nó là một phương pháp được FDA cho phép cung cấp tế bào gốc do can thiệp xâm lấn tối thiểu. MSCs được thu hoạch từ việc hút tủy xương (xương mào chậu), sau đó được ly tâm để phân lập các thành phần tế bào. Tuy nhiên, đây là phương pháp mới với chi phí giá thành cao và cần thêm các nghiên cứu lâm sàng đủ lớn.
Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, có thể cân nhắc lựa chọn phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)