Bệnh ĐMV được cho là bắt đầu với những thiệt hại hoặc tổn thương bên trong lớp nội mạc của động mạch vành. Hẹp lòng động mạch vành sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, tình trạng này nếu kéo dài lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp.
Khi mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành vỡ ra thì sẽ làm bít tắc hoàn toàn động mạch vành và gây ra thiếu máu cơ tim cấp tính, nặng nề, hoại tử cơ tim – còn được gọi là NMCT cấp. Tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp rất cao. Bệnh nhân qua được cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể bị suy tim hoặc bị rối loạn nhịp tim sau NMCT.
Khi có chẩn đoán xác định bệnh ĐMV, tùy theo căn nguyên và mức độ nặng của bệnh, việc điều trị sẽ bao gồm: tái thông mạch vành bị hẹp (bằng đặt stent hoặc phẫu thuật), điều trị nội khoa, và thay đổi lối sống.
Tái thông mạch vành bị hẹp: Có 2 biện pháp tái thông mạch vành bị hẹp là can thiệp động mạch vành qua da (nong bóng, đặt stent) và phẫu thuật làm cầu nối chủ vành. Can thiệp mạch vành qua da là một thủ thuật, trong đó bác sĩ sử dụng một ống thông chuyên dụng luồn từ động mạch quay hoặc động mạch đùi lên tim, đi vào các nhánh động mạch vành bị hẹp. Qua ống thông đó, bác sĩ có thể đưa bóng vào nong rộng mạch vành ra và sau đó đặt vào lòng mạch một khung giá đỡ bằng kim loại (gọi là stent), nhằm mục đích giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại. Thủ thuật đặt stent mạch vành là một thủ thuật tiến hành qua da, chỉ cần gây tê tại chỗ, không cần gây mê. Thời gian thủ thuật kéo dài từ 45 - 120 phút, tùy trường hợp. Chỉ định can thiệp động mạch vành qua da cho những bệnh nhân có tổn thương giải phẫu có thể can thiệp được, hoặc những bệnh nhân có nhiều bệnh lý kết hợp khiến cho không thể chịu đựng được một cuộc mổ tim.
Phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành là một phãu thuật nhằm tái thông dòng chảy mạch vành, nhờ đó cải thiện dòng máu nuôi cơ tim. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch “lành lặn”, không bị hẹp từ chính cơ thể của bạn để nối từ động mạch chủ đến nhánh mạch vành bị hẹp. Cầu nối này sẽ đảm đương vai trò vận chuyển máu giàu oxy đến nuôi cơ tim. Trong một cuộc mổ, phẫu thuật viên có thể làm nhiều cầu nối chủ-vành cho tất cả các mạch vành bị hẹp nặng.
Điều trị nội khoa: Nhằm hạn chế tiến triển của bệnh, cải thiện lượng máu nuôi cơ tim. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm: Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong lòng mạch vành; Chẹn beta giao cảm: Thuốc làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm nhu cầu oxy cơ tim; Thuốc hạ mỡ máu: Làm giảm xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối; Nitroglycerin: thuốc làm giảm đau ngực nhờ làm giãn mạch vành bị hẹp, tăng cường tưới máu cơ tim; Thuốc ức chế men chuyển: hạ huyết áp, cải thiện chức năng tim; Các thuốc để điều trị các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Thay đổi lối sống: Một lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm: Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Hạn chế chất béo, đồ ăn mặn, giảm cân nặng; Tập thể dục đều đặn và tăng cường hoạt động thể lực; Bỏ hoàn toàn thuốc lá bao gồm cả việc tránh hít khói thuốc từ người khác (hay còn gọi là hút thuốc lá bị động); Nhận biết và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam)