<div> <div> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2020/08/27/88/baochinhphu-vn_118326276_238649187342712_5364176775806021273_n.jpg" /></td> </tr> <tr> </tr> </tbody> </table> Tiểu học là bậc học nền tảng để giáo dục học sinh có nhân cách toàn diện, phát triển tốt. Năm học 2019-2020, cả nước có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học với gần 8,8 triệu học sinh, tăng 277.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Tỉ lệ học sinh trung bình là 31 học sinh/lớp. Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 80,1%, tăng gần 6% so với năm học trước.</div> <p>Tổng số giáo viên tiểu học trên cả nước là 403.000 người, cơ bản đủ để dạy học 2 buổi/ngày. 100% tỉnh, thành phố duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 18 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỉ lệ trên 28%. </p> <p>Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả, nhất là với lớp 1 - lớp đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.</p> <p>Nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương là thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục để bố trí quỹ đất xây dựng trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, khắc phục tình trạng trường có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn.</p> <p>Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục Tiểu học, đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ năm học của giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến 2 hoạt động nổi bật, đó là công tác pháp chế và triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa.</p> <p>“Năm học 2019-2020 là một năm nổi bật về công tác pháp chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, chúng ta ban hành được Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá.</p> <p>Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa hiện hành và đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các khâu từ bồi dưỡng giáo viên; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành SGK cơ bản đã được làm tốt. Chính vì vậy, năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.</p> <p>Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa 8 nhóm vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới, bao gồm: hành lang pháp lý; thực hiện chương trình sách giáo khoa, đổi mới giáo dục và kiểm tra đánh giá; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học; quản trị nhà trường; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ và Sở/Phòng GD&ĐT...</p> <p>Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.</p> <p>Theo đó, căn cứ lộ trình đổi mới và rà soát thực tế đội ngũ, các Sở GD&ĐT cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Việc có một đề án dài hơn sẽ giúp địa phương tính toán và giải quyết được căn cơ, khoa học việc thiếu thừa giáo viên, khắc phục tình trạng “ăn đong” như trước đây.</p> <p>Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, cũng như hoạt động bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên tiểu học theo đúng lộ trình và yêu cầu thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 phải được chú trọng thực hiện, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến.</p> <p><strong>Vi</strong><strong>ệ</strong><strong>c khen th</strong><strong>ưở</strong><strong>ng ph</strong><strong>ả</strong><strong>i </strong><strong>đ</strong><strong>úng, t</strong><strong>ạ</strong><strong>o </strong><strong>độ</strong><strong>ng l</strong><strong>ự</strong><strong>c cho h</strong><strong>ọ</strong><strong>c trò</strong></p> <p>Lưu ý đến giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, trí tuệ và thể chất cho học sinh, Bộ trưởng cho rằng, tiểu học là bậc nền tảng, việc giáo dục ở bậc học này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ tương lai của học trò. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị mỗi giáo viên tiểu học phải là tấm gương về đạo đức, trí tuệ để học sinh noi theo.</p> <p>Về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, các Sở, phòng GD&ĐT, các nhà trường tiểu học cần quan tâm đổi mới việc đánh giá, khen thưởng, trong đó tập trung chỉ đạo và thực hiện bằng được việc khen thưởng học sinh đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.</p> <p>Khen thưởng phải tạo được động lực cho học sinh và giáo viên, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. Khi làm tốt việc khen thưởng tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh thì hiệu quả và chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên.</p> <p>Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, các địa phương cần lưu ý việc khen thưởng phải đúng, tạo động lực cho học trò, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. </p> <p>Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1".</p> <p>Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục. Từ đó, đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập bảo đảm <span>hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.</span></p> <p> </p> </div> <p> </p>