<div> <p><strong>Đồng loạt tăng băng thông</strong></p> <p>Với nhu cầu tiêu thụ nội dung trực truyến ngày một tăng, bao gồmc xem video 4K - 8K, lưu trữ dữ liệu trực tuyến, streaming, livestream và tải tài liệu dung lượng lớn lên đến đơn vị tetrabyte, các ISP tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chính sách nâng gấp đôi băng thông cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cố định với giá không đổi, áp dụng từ ngày 1.6.2019.</p> <p>Tăng gấp đôi băng thông tức người dùng có thể thưởng thức các chương trình với màn hình độ phân giải cao cho hình ảnh sắc nét, các chuyển động nhanh mượt, đặc biệt sống động khi xem nội dung thể thao, giải trí.</p> <p>Theo chia sẻ từ nhà mạng Viettel, dải gói cước sau khi nâng sẽ có băng thông tối thiểu là 30 Mpbs, trong khi băng thông tối đa có thể lên tới vài trăm Mpbs. Động thái này của Viettel không chỉ phù hợp với xu hướng tăng tốc độ đường truyền dịch vụ internet trên thế giới mà còn là bước đi đầu tiên nằm trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu về chất lượng internet tại châu Á của hãng viễn thông quân đội.</p> <p>Tương tự, nhà mạng VNPT cho biết người dùng có thể trải nghiệm gói cước với tốc độ tối đa lên tới 300 Mbps. Tốc độ này đáp ứng nhu cầu cho đại gia đình, các hoạt động kinh doanh online, công ty quy mô lớn, đặc biệt hiệu quả khi cần đến video conference, hoặc trong sự kiện có đông người tham dự. Chính sách cũng áp dụng theo hình thức tăng gấp đôi tốc độ truy cập internet với giá không đổi.</p> <p>Mặc dù vậy, trong khi hai nhà mạng VNPT và Viettel đều áp dụng chính sách nâng gấp đôi băng thông so với hiện tại, thì phía FPT Telecom lại triển khai việc tăng băng thông nhưng cũng kèm tăng cước dịch vụ. Điều này khiến nhiều người dùng cảm thấy bức xúc.</p> <p>Trả lời cho vấn đề này, đại diện FPT Telecom cho biết: “Khách hàng được toàn quyền lựa chọn gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Trong trường hợp gói dịch vụ khuyến nghị không phù hợp, khách hàng có thể tự thực hiện thao tác lựa chọn gói phù hợp với nhu cầu hoặc gọi đến tổng đài 19006600 để được tư vấn giải pháp tốt nhất”.</p> <p><strong>Nâng băng thông đã thực sự tốt?</strong></p> <p>Theo chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia làm trong lĩnh vực mạng cho biết, thực tế hình thức tăng gấp đôi băng thông chỉ là một cách thức truyền thông từ các nhà mạng. Bởi lẽ, điều mà nhiều người dùng vẫn còn bức xúc chính là tốc độ internet quốc tế vẫn còn khá chậm, đặc biệt là trong thời gian qua tại Việt Nam việc đứt cáp xảy ra khá thường xuyên.</p> <p>"Nếu chỉ cần truy cập vào các dịch vụ internet có máy chủ đặt tại Việt Nam, thì tốc độ hiện tại đã đủ sức cung ứng cho nhu cầu người dùng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người đang có xu hướng sử dụng các dịch vụ internet quốc tế, chẳng hạn như vào YouTube, Gmail, Facebook...", chuyên gia này cho biết thêm.</p> <p>Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc nâng băng thông, các ISP cũng cần phải cải thiện tốc độ internet quốc tế khi hiện nay vẫn chập chờn, đặc biệt là các sự cố đứt cáp vẫn xảy ra. Một nhà mạng cho biết, họ đã đầu tư hơn 44 triệu USD cùng với các ISP hàng đầu của Việt Nam để xây dựng tuyến cáp biển mới nhất kết nối Việt Nam với quốc tế APG (Asia Pacific Gateway).</p> <p>Với tổng dung lượng truyền tải 54,8 Tbps, đây cũng là cổng internet lớn nhất Việt Nam từng có, đứng đầu châu Á hiện nay. Qua đó hạn chế gián đoạn dịch vụ khi tuyến cáp quang AAG (Asia-America Gateway) gặp sự cố, đồng thời tăng tốc độ kết nối internet quốc tế cho người dùng trong nước.</p> <p>Theo thống kê của Speedtest, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 72 trong thang xếp hạng tốc độ internet cố định toàn thế giới, do đó tăng tốc băng thông và nhất là cải thiện tốc độ truy cập internet quốc tế sẽ sớm giúp Việt Nam cải thiện vị trí xếp hạng của mình.</p> </div>