ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc ra, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.Trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học cổ truyền và hiện đại, có một số loại quả thích hợp và có lợi cho việc phòng chống cao huyết áp:
Cà chua phòng biến chứng xuất huyết đáy mắt: Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can và giáng áp. Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1 - 2 quả cà chua sống thì khả năng phòng chống cao huyết áp là rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Cà phòng rối loạn vi tuần hoàn: Đặc biệt là cà tím, là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bênh lý tim mạch khác.
Táo duy trì mức huyết áp: Là loại táo to nhập từ Trung Quốc và các nước Âu châu, chứa nhiều Kali có thể kết hợp với lượng Natri dư thừa để đào thải ra bên ngoài giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường. Mỗi ngày nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50 ml.
Lê chống đau đầu: Là thứ quả có công dụng thanh nhiệt, trấn tĩnh và giáng áp, rất có lợi cho những người bị cao huyết áp có kèm theo các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, hay hồi hộp trống ngực. Mỗi ngày nên ăn đều đặn từ 1 - 2 quả hoặc ép lấy nước cốt uống.
Chuối tiêu thanh nhiệt, giáng áp: Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông tiện và giáng áp. Mỗi ngày nên ăn từ 1 - 2 quả hoặc dùng vỏ quả chuối tiêu tươi 30 - 60g sắc uống thay trà.
Dưa hấu lợi niệu ổn định huyết áp: Rất thích hợp cho người bị cao huyết áp vào mùa hè vì có tác dụng thanh nhiệt và lợi niệu khá tốt, từ đó giúp cho huyết áp được ổn định. Người ta còn dùng vỏ dưa hấu 12g và thảo quyết minh 12g sắc uống thay trà hàng ngày hoặc ăn hạt dưa hấu mỗi ngày từ 9 - 15g để làm hạ huyết áp.
Dưa chuột bổ sung kali: Chứa nhiều muối Kali, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi niệu và giáng áp, rất thích hợp cho người bị cao huyết áp về mùa hè. Nên dùng dưới dạng ăn sống hoặc chế thành dưa góp nhưng chú ý không cho quá nhiều muối.
Nho bồi phụ lượng kali mất đi: Rất tốt cho người bị cao huyết áp, kể cả nho tươi hoặc nho khô, vì trong thành phần có chứa nhiều muối Kali nên có công dụng giảm áp, lợi niệu và bồi phụ lượng Kali mất đi do dùng các thuốc lợi tiểu tây y.
Mã thầy kháng khuẩn, hạ huyết: Trong mã thầy, có 68,52% nước, 18,75% tinh bột, 2,25% protein, 0,19% lipid, và các dưỡng chất khác như đường, pectin, muối canxi, phốt pho, sắt… Ngoài ra, với thành phần giàu vitamin A, B1, B2, C... và một hoạt chất gọi là puchin, quả mã thầy được coi là có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp và phòng ngừa ung thư rất tốt.
Táo mèo (sơn tra) phòng chống các biến chứng: Sơn tra cũng có tác dụng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, an thần, trấn tĩnh, góp phần lập lại cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tình trạng tăng huyết áp gây ra.
Sơn tra, cúc hoa, lá trà tươi mỗi thứ 10g, hãm với nước sôi trong bình kín 15 phút, uống thay trà trong ngày. Dùng cho người bị tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành và rối loạn lipid máu.