Thời gian ủ bệnh: Trung bình trong vòng 5 ngày, từ lúc tiếp xúc đến lúc phát ra triệu chứng đầu tiên.
Thời gian lây lan: Đỉnh tải virus cao nhất (đường xanh lá trong biểu đồ) bắt đầu khoảng từ 1 ngày trước khi có triệu chứng và đạt đỉnh trong tuần đầu tiên. Đây là thời gian người bệnh dễ lây lan cho người khác nhất. Do đó, ngay từ khi có bất cứ triệu chứng nào giống cảm cúm kèm với yếu tố dịch tễ thì nên thận trọng cách ly với người khác ngay.
Lưu ý: Các giai đoạn quan trọng của bệnh thể hiện trong biểu đồ trong hình đính kèm, trong đó có các thuật ngữ khác: Time since symptom onset (days): ngày kể từ khởi phát triệu chứng; Viral load: tải lượng virus; Hospitalization: nhập viện; Shortness of breath: khó thở; ARDS: Acute Respiratory Distress Syndrome: Hội chứng suy hô hấp cấp; ICU admission: Nhập vào khoa hồi sức tích cực; Antibody: kháng thể. |
Giai đoạn bệnh nhẹ và trung bình: Trong giai đoạn này, bệnh và các triệu chứng là kết quả của tác động trực tiếp của con virus lên cơ thể. Bệnh sẽ có các triệu chứng giống cảm cúm nặng nhưng không suy hô hấp và do đó có thể điều trị tại nhà bằng hình thức khám bệnh từ xa.
Các triệu chứng đạt đỉnh vào ngày thứ 4 - 6. Bệnh có thể dừng lại ở giai đoạn này mà không diễn tiến sang giai đoạn nặng. Nếu không có diễn tiến sang giai đoạn nặng thì triệu chứng sẽ giảm dần và thoái lui sau khoảng 10 ngày. Giai đoạn này không cần dùng kháng sinh và không được dùng kháng viêm corticoid vì để hệ miễn dịch chống chọi với virus.
Giai đoạn bệnh nặng: Một số ít người bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nặng (người béo phì, bệnh nền, cao tuổi). Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 7 (có thể sớm là 4 ngày hoặc trễ là 8 ngày). Trong giai đoạn này, các triệu chứng là kết quả của sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch của chính cơ thể.
Các triệu chứng của giai đoạn này đặc trưng là thêm các triệu chứng suy hô hấp như khó thở, giảm Sp02 và tăng nhịp thở. Do đó, từ giai đoạn này phác đồ mới bắt đầu cho sử dụng kháng viêm corticoids để giảm tác động quá mức của hệ miễn dịch và kháng đông. Ở giai đoạn này, người bệnh cần nhập viện, và sẽ được hỗ trợ oxy và các phương pháp điều trị khác. Bệnh có thể dừng ở giai đoạn này mà không chuyển sang giai đoạn rất nặng.
Giai đoạn bệnh rất nặng: Một số người bệnh tiếp nối qua giai đoạn rất nặng, đây cũng do hậu quả của phản ứng miễn dịch quá mức dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận. Ở giai đoạn này này, người bệnh thường được đưa vào phòng hồi sức tích cực hay còn gọi là ICU để điều trị.
TS.BS Trần Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM)