<div><img src="https://khds.1cdn.vn/2020/08/27/89/img-nhandan-com-vn_tu_the_khong_thuan_loi_1-1598459380685.jpg" /> <em><span>Tuyển thủ đội tuyển Bắn tỉa QĐND Việt Nam thực hiện bài thi "Bắn ở tư thế không thuận lợi". Ảnh: XUÂN HỒNG</span></em> <p>Chiều 26-8 (giờ Hà Nội), Đội tuyển Bắn tỉa Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thi đấu bài 8 không hiệu chỉnh kính ngắm. Kết quả, đội đạt 80/120 điểm, cùng điểm với đội Serbia, xếp thứ 5/7. Ở bài 9, bắn ở tư thế không thuận lợi, đội Việt Nam đạt 60/120 điểm, xếp thứ 4, sau Belarus, Nga và Uzbekistan.</p> <p>Theo lịch thi đấu, bài 5 Phòng thủ diễn ra vào đêm 25-8, nhưng đã phải hoãn sang đêm 26-8 vì sương mù. Do đó, tính đến tối 26-8, giờ địa phương (tức rạng sáng ngày 27-8, giờ Hà Nội), với tổng điểm 8 bài đã thi của giai đoạn 1, Đội tuyển Bắn tỉa QĐND Việt Nam tạm đứng ở vị trí thứ 4. Đội tuyển Bắn tỉa Belarus có tổng điểm cao nhất, vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về các đội tuyển của Uzbekistan và Nga.</p> <p>Theo Đại tá Bùi Danh Hiệu, Đội trưởng Đội tuyển Bắn tỉa QĐND Việt Nam, đánh giá chung qua 8 bài thi của giai đoạn 1, các xạ thủ của ta có tư tưởng tốt, quyết tâm cao trong chuẩn bị và thi đấu.</p> <p>Dự kiến, ngày 28-8, bảy đội tuyển sẽ bước vào tranh tài ở giai đoạn 2 “Cặp xạ thủ” gồm bảy bài thi.</p> <p>* Sáng cùng ngày, tại thao trường Pesochnoe (thành phố Kostroma, LB Nga), các đội tuyển tranh tài trong cuộc thi “Môi trường an toàn” bước vào bài thi thứ 2 “Bắn súng”.</p> <p>Nội dung “Bắn súng” năm nay được thiết kế khác hẳn với năm ngoái. Các xạ thủ của kíp xe bốc thăm và thực hiện ba bài bắn có tên lần lượt là “Báo động”, “Phục kích” và “Bắn trong chiến đấu”, với điều kiện bắn, cách bố trí bia về phương hướng và cự ly khác hoàn toàn nhau. Trong mỗi bài bắn, các vật cản được bố trí để thử thách kỹ năng tiêu diệt mục tiêu trong các tư thế không thoải mái như cúi sát, vươn mình về một phía.</p> <p>Đặc biệt, Ban tổ chức bố trí thêm các bia “con tin” đặt sát hoặc che khuất một phần bia mục tiêu thông thường. Nếu bắn phải các bia “con tin” hoặc bỏ sót bất kì mục tiêu nào, xạ thủ sẽ bị trừ điểm rất nặng. Dưới áp lực về tính điểm theo thời gian và bắn với mặt nạ phòng độc, đây là bài bắn được đánh giá là rất khó. Vũ khí sử dụng trong bài bắn là súng tiểu liên AK-12 mới nhất của quân đội Nga, có nhiều điểm khác biệt so với súng tiểu liên AK-47, trong đó đáng chú ý là cơ chế ngắm qua lỗ ngắm thay vì thước ngắm truyền thống mà bộ đội ta đã quen thuộc.</p> <p>Thời tiết trong ngày thi đấu không thuận lợi khi có mưa khiến việc di chuyển trong bài bắn thêm khó khăn và tầm nhìn của xạ thủ qua tấm mặt nạ càng bị hạn chế. Hai kíp xe của Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam bước vào bài thi với tâm lý ổn định sau quá trình huấn luyện tập trung vào tiếp cận với vũ khí và điều kiện bài bắn mới, đồng thời đẩy nhanh thời gian thực hiện bài bắn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các bia “con tin”.</p> <p>Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết không thuận lợi và khác biệt về vũ khí khiến hầu hết các đội tuyển đều có kết quả thi đấu không được như kỳ vọng. Mặc dù Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam có những xạ thủ tốt và nỗ lực thi đấu, nhưng kết quả vẫn xếp sau các đội tuyển Belarus, Uzbekistan và Armenia.</p> <p>* Điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi đấu của Đội tuyển Huấn luyện chó nghiệp vụ.</p> <p>Tại ngày thi đấu hôm 26-8, các đội tuyển tham gia cuộc thi Huấn luyện chó nghiệp vụ “Người bạn trung thành” thực hiện bài thi vượt chướng ngại vật 300 m, gồm các vật cản: Barrier, tường ván 1,8 m, cầu thang cao 3 m, ném lựu đạn, bò qua gầm xe tăng, hào công sự, cầu thăng bằng và bể bơi.</p> <p>Dù thời tiết lạnh nhưng các cặp vận động viên và chó nghiệp vụ của các đội bạn trình diễn xuất sắc, thể hiện trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, các vận động viên và chó nghiệp vụ của Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thành bài thi.</p> <p>Đáng chú ý, chứng kiến nội dung thi ngày 26-8 có Thượng tướng Alexander Vasilyevich Fomin, Thứ trưởng Quốc phòng LB Nga. Sau khi các đội tuyển kết thúc thi đấu, Thứ trưởng Quốc phòng Nga đã trao tặng Huân chương danh dự cho đại diện của các đội tuyển tham gia cuộc thi. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Nghĩa đã vinh dự được nhận huân chương này.</p> <p>* Tại thao trường Forish, Uzbekistan, mưa to kèm gió lạnh đã buộc Ban Tổ chức cuộc thi “Tiếp sức quân y” phải hoãn phần thi Vượt vật cản và thay thế bằng nội dung thi kỹ thuật trong trạm dành cho đối tượng trung, sơ cấp. Đây là phần thi không tính thành tích mà chỉ tính điểm phạt.</p> <p>Kết quả, đội tuyển Quân y Việt Nam có 6/6 vận động viên không bị tính điểm phạt. </p> </div> <p> </p>