Tướng Nguyễn Bình giả sĩ quan Nhật chiếm đồn
Nguyễn Bình là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tướng cùng đợt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 9 thiếu tướng khác năm 1948.
Nguyễn Bình là một người có tài năng quân sự thiên bẩm. Chẳng vậy mà những năm 1944, 1945, từ tay trắng mà ông cùng một số đồng chí đã phát triển được lực lượng vũ trang rồi đánh đồn Pháp, Nhật, phá kho thóc Nhật lập ra chiến khu Đông Triều hùng mạnh ở Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tướng Nguyễn Bình (người đeo kính) tại chiến khu D. Ảnh tư liệu. |
Trận đánh đầu tiên của danh tướng Nguyễn Bình đã diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương ông ở thị trấn Bần – Mỹ Hào – Hưng Yên. Mục tiêu của trận đánh là đồn Bần Yên Nhân trên đường quốc lộ 5 kiểm soát đoạn đường bộ từ Bần tới Phố Nối.
Trong đồn có 1 trung đội lính khố xanh do 1 sĩ quan Pháp chỉ huy. Biết con trai viên đồn trưởng đang theo học một thầy giáo là người mình quen biết, Nguyễn Bình đã vận động giác ngộ người thầy.
Qua ông giáo, Nguyễn Bình lại tạo được một “cơ sở” trong đồn tên là Việt và lôi kéo thêm được một số lính.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang cực độ. Nhận thấy thời cơ thuận lợi đã đến, Nguyễn Bình báo cáo kế hoạch đánh đồn và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp nhận.
Kế hoạch của Nguyễn Bình rất chu đáo. Lực lượng gồm 3 bộ phận. Một cánh trực tiếp đánh đồn do Nguyễn Bình chỉ huy sẽ giả làm lính Nhật để vào đồn. Cánh thứ 2 có 2 người khống chế tên lý trưởng ở Bần không cho nó trở tay để báo cho lính trong đồn và 2 người khống chế cầu Giai Phạm không cho dân trong làng hiếu kỳ tràn ra đường để tránh xảy ra tổn thất nếu có nổ súng. Cánh thứ 3 phụ trách việc cắt dây điện thoại nối với tỉnh lỵ Hưng Yên và Hà Nội.
Bố trí đâu vào đấy, đêm 12/3/1945, các nhóm tập trung tại một địa điểm cách đường 5 khoảng 200m. Nguyễn Bình và 2 đồng chí khác khoác lên mình bộ quân phục sĩ quan Nhật đầy đủ lon, băng đỏ dẫn đầu đội hình được trang bị súng ống. Riêng Nguyễn Bình có thêm thanh kiếm Nhật dắt chéo ngang hông.
“Tốp lính Nhật” gõ chân rầm rập trên đường số 5, tiến thẳng tới cổng đồn. Một tiếng pháo nổ! Cổng đồn mở toang do có nhân mối chuẩn bị sẵn bên trong. Lực lượng ta hô “Xung phong!”, rồi ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay. Cả trung đội lính hoảng hốt giơ tay hàng. Ngay sau đó, lực lượng ta rút êm ngay trong đêm với chiến lợi phẩm gồm 24 súng trường và 6 hòm đạn.
"Độc chiêu" tiến vào đồn địch của tướng Tấn
Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng tài ba của quân đội ta. Tướng Hoàng Minh Thảo đánh giá tài đánh trận của tướng Tấn chỉ ở sau tướng Giáp. Tướng Tấn cũng là một vị tướng có vinh dự đặc biệt. Trong Điện Biên Phủ, sư đoàn 312 của ông là đơn vị bắt được Decastri. Đến Đại thắng mùa xuân 1975, cánh quân hướng đông do ông trực tiếp chỉ huy dù phải vượt hàng nghìn cây số đánh từ Huế dọc theo duyên hải miền trung vào Sài Gòn nhưng lại vào Dinh Độc Lập sớm nhất. Tài năng quân sự của ông đã được thể hiện ngay trong trận đánh đầu tiên, chiếm đồn Đồng Quan ở Ứng Hòa (Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội).
Đồn Đồng Quan nằm xa huyện lị Ứng Hòa mà lại gần căn cứ Quảng Uyên của ta. Trong đồn có 1 tiểu đội lính bảo an làm nhiệm vụ gác kho thóc cho Nhật được trang bị súng đạn đầy đủ.
Tướng Lê Trọng Tấn (đứng bên phải tướng Giáp) năm 1976. Ảnh tư liệu. |
Để đánh đồn, đầu tiên phải trinh sát. Trong lần trinh sát đầu tiên của đời binh nghiệp, tướng Tấn cùng các đồng chí đã giả làm ăn mày vào xin nước mưa trong đồn. Trưa hôm sau, trong vai những người ăn mày, Lê Trọng Tấn cùng vài đồng chí đi lên đồn Đồng Quan.
Họ giả làm ăn mày vào xin nước mưa. Khi ấy, ở trong đồn, đám lính sau khi ăn xong thì trải chiếu ngồi đánh tổ tôm. Thấy đám người lạ, một tên lính đang chầu rìa quát “Đi đâu mấy tên kia?”. Một người trả lời: “Thưa thầy khát quá, vào đây xin thầy hớp nước mưa”. Trong cái đói khủng khiếp của năm 1945, những đoàn người sức dài vai rộng đi ăn mày là thường. Và có lẽ ở đồn Đồng Quan, cảnh ăn mày vào xin nước mưa đã thành lệ cho nên tên lính quát xong thì thây kệ đám ăn mày rồi lại chúi mũi vào chiếu tổ tôm.
Chứng kiến cảnh đó, tướng Tấn phác thảo ngay một kế hoạch chiếm đồn.
Trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên Phủ, ông kể: “Đám lính kể cả tên gác xúm quanh đám bài mắt hau háu nhìn từng quân bài. Tên cai vớ cái điếu rít một hơi dài. Chứng kiến cảnh đó, một kế hoạch tác chiến hình thành ngay trong đầu tôi: Một bộ phận bất ngờ sẽ dùng súng ngắn uy hiếp tên cai và đám lính giữa lúc chúng đang say mê sát phạt. Một bộ phận sẽ cướp súng. Nhưng muốn thế trước hết chúng tôi phải biết sử dụng những khẩu súng hiện đại và phải chế tạo những khẩu súng giả sao cho mỗi người có một khẩu. Chúng tôi chào cảm ơn tên cai, ung dung ra về”.
Ngay sau đó là những ngày chuẩn bị. Cả đội chỉ có 1 khẩu súng thật với mấy viên đạn. Cần phải “chế tạo” cho mỗi người một khẩu súng. Nhiệm vụ đó được giao cho một người biết nghề mộc. Súng làm xong được quét mực tầu trông khá giống súng thật. Những người còn lại thì tập sử dụng súng ở trong buồng một cơ sở để giữ bí mật.
Những chuẩn bị xong xuôi, đội vũ trang quyết định công đồn. Hồi ký của tướng Tấn ghi: “Sau khi huấn luyện xong, chúng tôi chọn một buổi trưa nắng đi đánh Đồng Quan. Những anh em đi đánh đồn mỗi người được một bát cháo cám. Khoác cái áo tơi rách vào người, súng thật, súng giả giắt cạp quần chúng tôi tiến ra đồn Đồng Quan với tinh thần quyết thắng.
Trong lúc bọn lính bảo an xúm xít quanh chiếu tổ tôm không thèm đoái hoài đám ăn mày rách rưới vào xin nước mưa như thường lệ thì anh em đã hình thành hai nhóm. Đội trưởng và anh em có súng thật vây bàn tổ tôm. Một số anh em mang súng giả vây quanh giá súng. Đội trưởng bất ngờ rút khẩu súng Bờ rao ninh chĩa thẳng vào mặt tên cai hô:
Muốn sống ngồi im! Việt Minh đây!
Tên cai và bọn lính đờ người trước họng súng chĩa vào tận mặt. Chúng không kịp hạ bài cứ thế giơ cao hai tay. Anh em xông vào giá súng lên đạn lách cách.
Đội trưởng giải thích vắn tắt cho tên lính bảo an thế thua đã rõ ràng của phát xít Nhật, khuyên anh em nên về nhà làm ăn. Trận đánh diễn ra nhanh và gọn đến nỗi khi anh em bó súng vào áo tơi về, bà con xung quanh vẫn không hay đồn Đồng Quan đã bị mất.