Vi khuẩn Helicobacter Pylori, viết tắt là vi khuẩn HP sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Chúng có cơ chế tiết Enzym Urease đặc biệt giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày. Sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm - loét dạ dày, tá tràng.
Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến mạn tính, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm thúc đẩy ung thư dạ dày. Theo thống kê, khoảng 1% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP rất phổ biến, số lượng người nhiễm rất cao, chỉ kém phổ biến hơn nhiễm khuẩn sâu răng. Việc nhận biết những con đường lây nhiễm là rất cần thiết để phòng ngừa vi khuẩn HP. Bên cạnh niêm mạc dạ dày, chúng còn tồn tại trong nước bọt, khoang miệng, mảng bám trên răng và phân của người bệnh.
Vi khuẩn HP có mặt trong dạ dày - Ảnh minh họa |
Đường miệng – miệng: Vi khuẩn HP có thể lây lan do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh. Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất. Các hành động lây truyền HP bao gồm: dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, nhai mớm cho trẻ nhỏ,…
Đường phân – miệng: Vi khuẩn HP hiện diện trên phân của người bệnh. Người bệnh sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào đồ ăn, nước uống. Sử dụng các thực phẩm này không nấu chín sẽ khiến bạn nhiễm bệnh.
Ngoài ra, các loại trung gian truyền bệnh như gián, ruồi, chuột,… cũng có thể mang vi khuẩn HP trong phân vào thức ăn không được đậy kín.
Phòng ngừa vi khuẩn HP lây nhiễm qua đường khác: HP dạ dày còn có thể lây nhiễm chéo trong quá trình nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, khám nha khoa… nếu dụng cụ y tế không được vệ sinh sạch khuẩn. Đây chính là lý do vì sao bạn chỉ nên thăm khám, điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín, chất lượng.
Cách phòng ngừa bệnh
Ăn chín uống sôi : Các loại thực phẩm không được nấu chín ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong nhiều loại đồ ăn khác nhau. Chúng không thể bị tiêu diệt nếu không được nấu chín với nhiệt độ cao. Do đó khi ăn uống ở nhà hay ở ngoài, bạn nên sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
Bên cạnh đó, bạn cần tránh các loại thức ăn sống, tái như: tiết canh, gỏi, rau sống,… Bạn nên uống nước đã đun sôi, không uống nước lã.
Chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm: Để phòng ngừa vi khuẩn HP, bạn cần chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể bạn nên:
- Sử dụng thực phẩm tươi sạch, đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Ăn uống tại những địa chỉ, nhà hàng sạch sẽ, áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt đối với thực phẩm, dụng cụ nhà bếp, không gian,…
- Lựa chọn nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
- Tránh các hàng quán vỉa hè mất vệ sinh: Vi khuẩn HP có thể xuất hiện trong đồ ăn, dụng cụ không được làm sạch, hoặc thậm chí nhiễm từ đầu bếp hay nhân viên phục vụ do tiêu chuẩn vệ sinh không được đảm bảo.
- Không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ẩm mốc, ôi thiu, nhiễm khuẩn,…
Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày - Ảnh minh họa |
Tránh sinh sống ở những nơi ô nhiễm, kém vệ sinh: Môi trường sống ô nhiễm, kém vệ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP trú ẩn và sinh sôi. Đây là những điều trong cuộc sống hàng ngày mà bạn cần lưu ý:
- Đảm bảo không gian sống của bản thân và gia đình luôn sạch sẽ, trong lành. Hãy thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh. Chú ý vệ sinh bát đũa, dụng cụ nhà bếp sạch sẽ; diệt trừ ruồi, gián,…
- Tránh sinh sống ở những nơi ô nhiễm (không khí bụi bặm, gần địa điểm xử lý nước thải, nguồn nước bẩn,…).
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ phòng ngừa vi khuẩn HP
Từ các hình thức lây truyền của vi khuẩn HP, có thể thấy rửa tay thường xuyên chính là giải pháp để ngăn chặn loại vi khuẩn này. Bạn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng để làm sạch khuẩn. Điều này cần đặc biệt chú trọng khi bạn chuẩn bị chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
Việc rửa tay chỉ đạt hiệu quả khi bạn thực hiện đúng cách. Hãy sử dụng các loại nước rửa tay có khả năng diệt khuẩn. Chú ý chà sát toàn bộ bề mặt bàn tay, ngón tay, móng tay trong khoảng từ 1 – 3 phút.
Cẩn trọng khi tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn HP: Hãy thận trọng khi tiếp xúc với những người nhiễm vi khuẩn HP. Bạn cần:
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…
- Không dùng chung các dụng cụ ăn uống như thìa, đũa, bát, nước chấm…; không gắp thức ăn cho nhau; không nhai mớm cho trẻ.
Phòng ngừa vi khuẩn HP nhờ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và lành mạnh là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP. Việc làm này giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh nói chung.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất thiết yếu: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước.
- Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá,…
- Xây dựng thói quen vận động, tập luyện khoa học nhằm tăng sức đề kháng.
Thăm khám tiêu hóa định kỳ: Biện pháp cuối cùng để phòng ngừa vi khuẩn HP dạ dày chính là chủ động thăm khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần. Kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm vi khuẩn HP cũng như các mầm mống gây bệnh khác, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.
Có 4 phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP bao gồm: nội soi sinh thiết dạ dày, test hơi thở, xét nghiệm tìm HP trong phân và xét nghiệm máu. Trong đó nội soi sinh thiết dạ dày là phương pháp hữu hiệu bậc nhất.
Thủ thuật này giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn HP, đồng thời phát hiện những bất thường trong niêm mạc dạ dày. Các mô sinh thiết có thể được nuôi cấy, xét nghiệm vi khuẩn HP kháng thuốc. Qua đó bác sĩ sẽ xác định chúng nhạy với kháng sinh nào và chỉ định phác đồ phù hợp, cho kết quả tốt nhất.
Hãy lưu lại 8 biện pháp trên đây để phòng ngừa vi khuẩn HP dạ dày. Mặt khác, những người đã nhiễm HP cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm sang người khác, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện ung bướu Hưng Việt)