Với liều lượng thấp vừa phải, rượu có thể tốt cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, sử dụng rượu bia có thể là con dao hai lưỡi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
Rượu bia gây ra bệnh tim mạch như thế nào?
Rượu bia có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch theo nhiều cách. Đã có bằng chứng rằng một hoặc hai ly rượu có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, hiệu quả làm việc của cơ tim, lượng máu bơm vào và bơm đi các vùng của cơ thể.
Tiêu thụ một lượng lớn rượu bia cả thường xuyên lẫn không thường xuyên đều ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim. Rượu bia làm tăng huyết áp, triglycerit (một loại chất béo) trong máu và cân nặng cơ thể, dẫn tới các bệnh tim mạch. Những người có tiền sử cao huyết áp sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ khi uống bia rượu.
Tiêu thụ rượu bia có thể gây ra những bệnh tim mạch sau:
Bệnh giãn cơ tim: Bệnh này được đặc trưng bởi tim phồng to và lực co bóp yếu. Bằng chứng cho thấy chất cồn là độc chất đối với tế bào cơ tim.
Cao huyết áp: Huyết áp là chỉ số đo lường áp lực của máu lên thành mạch khi lưu thông trong cơ thể. Cao huyết áp có thể gây ra đột quỵ vì mạch máu bị cản trở. Từ đó mạch máu bị yếu đi hoặc phá hủy, gây ra đột quỵ.
Huyết áp bị ảnh hưởng do lượng chất cồn tiêu thụ. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy bệnh cao huyết áp phổ biến hơn ở những người uống nhiều hơn 3 cốc tiêu chuẩn mỗi ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu giảm lượng rượu bia tiêu thụ, huyết áp cũng giảm theo.
Cholesterol trong máu cao: Khi cholesterol tích tụ lại có thể gây ra mảng bám nằm trên mạch máu. Cao huyết áp có thể gây ra mảng bám này hoặc cục máu tụ, làm vỡ thành động mạch và chặn máu lưu thông.
Loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường có thể xảy ra khi hệ thống dẫn điện tim thay đổi. Vấn đề này có thể xảy ra khi các tín hiệu bị chặn lại, đường dẫn truyền bất thường, tế bào tim bị kích thích, do thuốc và các chất kích thích. Một vài chứng loạn nhịp tim phổ biến là nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh. Uống rượu thường xuyên trên mức khuyến nghị sẽ làm tăng nguy cơ bị loạn nhịp tim.
Suy tim xung huyết hoặc suy tim mạn tính: Suy tim xảy ra khi cơ tim trở nên quá yếu để bơm máu khắp cơ thể như bình thường. Tức là máu không thể cung cấp hiệu quả đến các bộ phận của cơ thể. Một khi cơ tim bị tổn hại thì sẽ không thể tự phục hồi.
Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi một động mạch trong não bị tắc hoặc xuất huyết. Điều này khiến máu cung cấp cho não bị gián đoạn. Uống rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ (khi động mạch cung cấp máu cho não bị chặn) hoặc đột quỵ xuất huyết (khi động mạch cung cấp máu cho não bị xuất huyết). Viện Y tế và phúc lợi Úc đã khuyến nghị rằng đột quỵ có thể được ngăn ngừa bằng việc giảm các hành vi nguy cơ như uống rượu bia.
Mặc dù uống một lượng ít rượu có thể tốt cho sức khỏe tim mạch nhưng tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức Y tế khuyến nghị rằng chúng ta không nên bắt đầu hoặc duy trì việc uống rượu để đạt lợi ích sức khỏe. Chúng ta cũng không nên khuyến khích uống rượu bia để ngăn ngừa bệnh tim mạch. Bằng chứng về việc chất chống oxy hóa trong rượu vang đỏ có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc có lợi cho bệnh nhân hồi phục sau đau tim hiện còn nhiều tranh cãi.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng không nên uống rượu bia nhiều hơn hai cốc tiêu chuẩn mỗi ngày để nguy cơ mắc bệnh tim mạch không tăng cao. Tuy nhiên, uống rượu bia thường xuyên mỗi ngày dù liều lượng thấp cũng sẽ khiến bạn dễ bị “nghiện”, từ đó tăng dần lượng rượu uống vào.
TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam)