Theo Đông y, dựa trên các biểu hiện lâm sàng và quá trình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Covid-19 thuộc phạm trù ôn dịch, có đặc điểm phù hợp với thấp dịch độc” với các chứng hậu chủ yếu là thấp, nhiệt, độc, uất và hư, trong đó thấp tà đóng vai trò quan trọng nhất.
Nguyên nhân gây dịch bệnh Covid-19 vẫn không nằm ngoài hai vấn đề là tà khí (mầm bệnh) và chính khí (sức đề kháng và miễn dịch) như y thư cổ đã viết: “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư; chính khí tồn nội, tà bất khả can”. Nhưng tà khí của dịch bệnh này không đơn giản là các tà khí thường nói như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa... Và vấn đề sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể suy giảm cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sự phát sinh và phát triển của dịch bệnh trong khi chưa có thuốc đặc trị và văcxin cũng còn nhiều bất cập nhất là khi virus biến tính.
Nhân khi chính khí hư suy hoặc do tà khí quá mạnh mà dịch độc xâm nhập từ đường miệng hoặc mũi mà vào cơ thể, trước tiên phạm phế, phế kinh thụ tà mà mất tuyên phát khiến bệnh phát sinh. Bệnh thể nhẹ có khởi đầu là do thấp tà, được chia thành hai loại hình là hàn thấp uất phế và thấp nhiệt uẩn phế, biểu hiện bệnh tương đối nhẹ.
Khi tà chính giao tranh, bệnh tiến triển sang thể thông thường, thấp độc trở phế là chứng hậu chính, chủ yếu biểu hiện bằng các triệu chứng như ho, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, sốt nhẹ, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc trắng nhớt, mạch hoạt hoặc nhu. Khi tà khí thiên thắng, độc tà bế phế, tà chuyển hóa thành nhiệt, tiến triển thành thể nặng với các biểu hiện chính như thở gấp, khó thở, mệt mỏi nhiều, ho, ăn kém, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt.
Nếu chính khí suy bại thì bệnh tình phát triển thành thể nặng hơn với chứng hậu nội bế ngoại thoát. Bên cạnh đó, dịch độc còn xâm nhập vào các cơ quan tạng phủ khác mà làm phát sinh các chứng hậu nặng nhẹ khác nhau khiến bệnh trạng trở nên phức tạp và nguy hiểm.
Vì vậy, mục đích của việc dự phòng Covid-19 bằng thuốc Đông y là điều tiết trạng trạng thái cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó nâng cao sức đề kháng đối với dịch bệnh.
Dùng thuốc sắc hoặc hãm uống thay trà: Tùy từng trường hợp cụ thể mà chọn dùng các bài sau:
- Sinh hoàng kỳ 20g, sa sâm 12g, cát cánh 10g, sinh cam thảo 06, liên kiều 12g và thương truật 10g.
- Tô diệp 12g, hoắc hương 1g, trần bì 8, thảo quả 08 và sinh khương 3 lát.
- Hoắc hương 12g, hồng cảnh thiên 12g, kim ngân hoa 16g, quán chúng 12g, hổ trượng 10g và lô căn 12g.
- Hoắc hương 12g, kim ngân hoa 16g, bạch chỉ 10g, thảo quả 8g, lô căn 12g và bạch mao căn 12g
- Sa sâm 12g, ngọc trúc 12g, tỳ giải 12g, quán chúng 12g, thương truật 10g, thạch xương bồ 12g, trạch lan 10g.
- Sài hồ 8g, cát căn 12g, xuyên tâm liên 16g, phòng phong 8g, tiền hồ 10g, tô ngạnh 12g, đẳng sâm 16g, thanh bì 8g, đại táo 12g, sinh khương 3 lát, tây dương sâm 10g, hoàng cầm 10g và hoắc hương 10g.
- Thương truật 12g, trần bì 08g, hoắc hương 12g, tử tô 10g, ngân hoa 12g, quán chúng 12g và sinh hoàng kỳ 16g.
- Sinh hoàng kỳ 20g, phòng phong 8g, bạch truật 12g, hoắc hương 12g, tử tô 10g và kim ngân hoa 12g
Thuốc dùng ngoài:
Ngâm chân dùng bài: 1- Ngải diệp hoặc hoa tiêu lượng vừa đủ, sắc lấy nước ngâm chân trong 15-30 phút. 2- Đỗ trọng 12g, tục đoạn 12g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, hoắc hương 16g, sinh khương 12g, sắc kỹ lấy nước ngâm chân trong 30 phút.
Xông hơi: Có thể xông bằng cách đốt điếu ngải hoặc ngải nhung trong phòng, mỗi ngày 1 lần (dùng loại ngải không khói). Hoặc xông bằng thuốc đông y : dùng độc vị thương truật 30g hay bài thuốc gồm bản lam căn 20g, thạch xương bồ 12g, quán chúng 16g, kim ngân hoa 20g. Cho nước sắc vào máy phun sương đã được rửa sạch để xông
Túi hương đông dược: Có thể chọn dùng bài gồm: Thương truật 16g, ngải diệp 12g, bội lan 12g, thạch xương bồ 12g, kinh giới 12g, tử tô 12g, hoắc hương 16g, tân di 12g và bạch chỉ 10g hoặc hoắc hương 20g, thương truật 12g, xương bồ 12g, thảo quả 12g, bạch chỉ 12g, ngải diệp 16g, tô diệp 12g và quán chúng 12g. Dùng liều lượng thích hợp đem nghiền vụn hoặc tán bột, cho vào túi hương mang theo bên mình, treo trong phòng hoặc để cạnh gối ngủ, 5 ngày thay 1 lần.
ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)