Các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận một bệnh nhi 20 ngày tuổi được Bệnh viện An Giang chuyển lên với chẩn đoán theo dõi u gan. Từ lúc siêu âm tiền sản các bác sĩ đã phát hiện khối u gan lúc 32 tuần. Khi nhập viện, bệnh nhi tỉnh, thở bình thường, chỉ bị vàng da toàn thân, bụng mềm, sờ thấy khối chắc to ở vùng thượng vị lệch trái.
Khối u (bên trái) được lấy ra khỏi bụng em bé. Nguyên vẹn lá gan cho thấy khối u nằm trọn ở phần thùy trái gan (bên phải). |
Các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy đây là khối mô đặc thùy trái gan, kích thước 6x7,5x7,7cm, có đóng vôi bên trong, có xuất huyết trong u.
Theo ThS.BS Đào Trung Hiếu, đây là dạng u nguyên bào gan xuất phát từ trong bụng mẹ, tế bào gan phát triển không đồng đều tạo thành u. Ở các nước hiện đại, những ca sơ sinh có u gan như vậy buộc phải hoá trị liệu. Em bé có thể gặp nhiều tác dụng phụ khi được hoá trị liệu, xạ trị...
“Cắt gan trẻ sơ sinh hiếm gặp, gần như không được ghi nhận ở Việt Nam. Hoá trị liệu vào trẻ sơ sinh ở Việt Nam gần như không thể. Nếu phải chờ đợi, u gan trái xâm lấn vào gan phải là quá muộn. Em bé sẽ phải chờ ghép gan. Hơn nữa, tổn thương gan trái có xuất huyết trong u. Vì vậy, chúng tôi quyết định cắt bỏ toàn bộ gan bên trái”, ThS.BS Đào Trung Hiế cho biết.
Em bé 20 ngày tuổi đã ổn định, vết mổ khô tốt sau phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u. |
ThS.BS Đào Trung Hiếu cho biết thêm, do gan em bé sơ sinh mỏng manh dễ vỡ, khó lành và khó cầm máu, nên một trong những khâu khó nhất là tắc các mạch máu nuôi để tránh xuất huyết cho bệnh nhi trên bàn mổ. May mắn, khối u nằm trọn bên gan trái. Còn trong trường hợp không xử trí u gan, khối u lớn dần dọa vỡ xuất huyết nặng, hoặc do các bất thường mạch máu nuôi sẽ dẫn đến suy tim, suy tế bào gan không hồi phục và có thể tử vong.
Giải phẫu bệnh lý là u nội mô mạch máu trẻ em, ranh giới giữa ác tính và lành tính. Do đó, phương pháp cắt bỏ khối u triệt để là một phương án khá liều lĩnh nhưng đã đạt hiệu quả điều trị cao. Sau khi đã cắt bỏ phần gan mắc bệnh lý cho em bé, tế bào gan có thể tái sinh trở lại. Em bé phát triển gần như là một đứa trẻ bình thường khác nhưng vẫn cần theo dõi thường xuyên.
ThS.BS Đào Trung Hiếu (bên trái) đang chia sẻ về ca cắt u gan ở trẻ sơ sinh. |
1 triệu em bé sinh ra chỉ có 1 em bé mắc u gan. U nội mô gan ở trẻ sơ sinh (IHHE) là khối u mạch máu ở gan phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm 12% tổng số các khối u gan ở trẻ em. Những loại bướu như thế này thường không rõ nguyên nhân. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, các bác sĩ thường cắt bỏ u gan ác tính hoặc u nguyên bào gan với trung bình 10 - 15 ca/năm; nhưng ở sơ sinh như ca nói trên là cực kỳ hiếm.