Cá ở vùng tảo nở hoa vẫn ăn được

(khoahocdoisong.vn) - Ở nhiều vùng biển, tảo nở hoa làm nước có màu đỏ do nhiễm độc. Thủy sản sống sót sau khi tảo nở hoa vẫn an toàn cho con người.

Ở nhiều vùng biển, tảo nở hoa làm nước có màu đỏ do nhiễm độc. Thủy sản sống sót sau khi tảo nở hoa vẫn an toàn cho con người.

TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ đời sống và sản xuất cho biết, biến đổi khí hậu, nhiệt độ thay đổi thất thường dễ làm tảo đỏ nở hoa, dạt vào bờ. Khi đó, tôm, cá, ngao, sò, ốc… sẽ bị chiếm lĩnh oxy mà chết. Trường hợp ô nhiễm không nghiêm trọng, tôm, cá vẫn sống sót thì hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm, không độc hại như nhiều người lầm tưởng.

Tảo giáp Noctiluca scintillans chỉ nở hoa trong điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thay đổi, ánh sáng phong phú, vùng nước bỗng dưng có nhiều chất dinh dưỡng. Khi loài tảo giáp này nở thì làm cho vùng nước có màu hồng. Sự bùng phát mạnh mẽ của chúng sẽ tiết ra độc tố làm chết tôm cá trong khu vực đó.

Cá tôm ăn phải loài tảo này sẽ bị chết. Người ăn phải cá, tôm có chất độc của tảo này sẽ bị gây hại đến thần kinh, nôn mửa, tiêu chảy, xơ cứng cơ… Vì thế, khuyến cáo được đưa ra là nhất thiết không sử dụng những con cá chết ở vùng này làm thực phẩm.

Tuy nhiên đối với cá, tôm còn sống thì ngược lại, không hề bị nhiễm độc và rất an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Chất độc của tảo không ngấm được vào những con cá, tôm sống, nếu bị nhiễm độc thì cá tôm đã bị chết. Việc kiểm soát không sử dụng tôm cá chết làm thực phẩm cần được các cơ quan chức năng vào cuộc.

Nếu thủy triều đỏ xuất hiện ở gần bờ, đặc biệt là những khu vực có nuôi cá lồng, thì phải tiến hành di dời các lồng cá này để tránh làm cá chết. Hiện tượng thủy triều đỏ thông thường không kéo dài, vì thế việc di chuyển này cũng không quá phức tạp. Đáng chú ý là ở những vùng nước lặng gần bờ, mỗi khi có sự thay đổi thời tiết, sóng đổ dồn vào, thì rất dễ xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ.

Theo Đời sống
back to top