<div> <p style="text-align: justify;">Bộ Y tế Malaysia cho hay với 110 ca mới được công bố hôm 19/3, nước này đã ghi nhận tổng cộng 900 ca nhiễm virus corona chủng mới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, theo<em> Reuters.</em></p> <p style="text-align: justify;"><span>Trong khi đó tại nước láng giềng <span>Thái Lan</span>, số ca nhiễm mới tính trong 24 giờ là 60, kỷ lục về thống kê theo ngày tại nước này. Tổng số ca nhiễm tại vương quốc đã tăng lên đến 272, một quan chức y tế cho biết.</span></p> <h3 style="text-align: justify;">Nga có ca tử vong đầu tiên</h3> <p style="text-align: justify;">Theo <em>Guardian</em>, nạn nhân là một người phụ nữ 79 tuổi từ Mowcow. Bà được nhập viện cuối tuần trước, qua đời ở Moscow vào hôm 19/3. Các quan chức Nga nói rằng bà có bệnh nền, bao gồm đái đường và cao huyết áp. Gia đình bà đang được theo dõi.</p> <p style="text-align: justify;">Soố ca nhiễm bệnh tại Nga đã tăng gấp đôi trong cuối tuần qua, nhưng vẫn ở mức thấp với 147 trường hợp nhiễm bệnh cho đến tối 18/3. Moscow đang gấp rút chạy đua để xây dựng một bệnh viện dã chiến. Bệnh viện này, có giường cho 500 bệnh nhân, sẽ hoàn thành vào tháng tới.</p> <h3 style="text-align: justify;">Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của <span>Anh</span> dương tính</h3> <p style="text-align: justify;">Trưởng phái đoàn đàm phán về Brexit của Anh, ông Michel Barnier thông báo trên Twitter rằng ông đã được xét nghiệm dương tính với virus. Ông cho biết mình "đang ổn và tinh thần tốt", cũng như theo sát các chỉ dẫn cần thiết.</p> <p style="text-align: justify;">Khoảng 40 trạm tàu điện ngầm của London đã bị đóng cửa vô thời hạn vì virus kể từ ngày 19/3. Thành phố này hiện ghi nhận 953 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi con số người nhiễm ở toàn nước Anh là 2.644. 103 người đã tử vong.</p> <h3 style="text-align: justify;">Đông Nam Á lo ngại trở thành điểm nóng mới</h3> <p style="text-align: justify;">Hầu hết ca nhiễm mới ở Malaysia có liên quan đến một sự kiện tôn giáo với sự tham gia của khoảng 16.000 tín đồ đạo Hồi, bao gồm 1.500 người nước ngoài.</p> <p style="text-align: justify;">Các ca nhiễm mới tại Thái Lan chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất gồm 43 ca liên quan đến các ca được xác nhận trước đó, và nhóm thứ hai gồm 17 bệnh nhân còn lại, trong đó có người về từ các nước như Italy, Malaysia, <span>Nhật Bản</span>, <span>Iran</span>...</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Ca nhiem tai Malaysia tang len 900, Thai Lan ghi nhan ky luc ngay hinh anh 1 mosque.JPG" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/09/mosque.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p style="text-align: justify;">Tín đồ tập trung tại nhà thờ Seri Petaling, địa điểm liên quan đến hầu hết ca nhiễm mới tại Malaysia. Ảnh: <em>Reuters.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Malaysia đã trở thành điểm nóng nhất về dịch tại Đông Nam Á sau khi nhiều người từng tham dự sự kiện hồi cuối tháng 2 tại nhà thờ Hồi giáo ở Seri Petaling, ngoại ô Kualua Lumpur, cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới. Gần 2/3 số ca nhiễm ở Malaysia liên quan đến sự kiện này, tính đến sáng 18/3.</p> <p style="text-align: justify;">Các tín đồ đến từ hàng chục nước, bao gồm <span>Trung Quốc</span> và <span>Hàn Quốc</span>, hai nước có số ca nhiễm cao, và các nơi xa xôi khác như <span>Canada</span>, Nigeria, Ấn Độ và <span>Australia</span>, cũng như Việt Nam.</p> <p style="text-align: justify;">Hàng nghìn người Malaysia tham dự sự kiện vẫn đang chờ làm xét nghiệm, nên số ca nhiễm có thể còn tiếp tục tăng trong lúc chính phủ áp đặt hạn chế đi lại trong vòng 2 tuần, tính từ 0h ngày 18/3.</p> <p style="text-align: justify;">Giới chức Malaysia hôm 18/3 cảnh báo có thể có đợt bùng phát lây nhiễm mới "lớn hơn cả sóng thần" nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại.</p> <p style="text-align: justify;">Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia ở Đông Nam Á áp dụng các biện pháp quyết liệt trong bối cảnh số ca dương tính tăng nhanh.</p> <p style="text-align: justify;">“Tình hình đang diễn biến rất nhanh”, tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, cho biết hôm 17/3. “Chúng ta phải mở rộng nỗ lực ngay lập tức để ngăn virus lây lan rộng hơn”.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Ca nhiem tai Malaysia tang len 900, Thai Lan ghi nhan ky luc ngay hinh anh 2 barthai.JPG" src="https://khds.1cdn.vn/2020/02/23/barthai.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p style="text-align: justify;">Một quán bar tại Bangkok vắng khách sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa rạp chiếu phim, quán bar và các cơ sở giải trí ở nước này. Ảnh:<em> Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><span>Ngoài Malaysia, khoảng 60 triệu người - tức hơn một nửa dân số <span>Philippines</span> - cũng đang bị phong tỏa. Tại Thái Lan, thủ tướng tuyên bố hủy bỏ các sự kiện mừng năm mới - "tết té nước" Songkran. Trường học, nơi cầu nguyện, cơ sở giải trí, địa điểm công cộng tại nhiều nước cũng đã bị đóng cửa.</span></p> <p style="text-align: justify;">Tại <span>Indonesia</span>, sự kiện tôn giáo tập trung đông người vẫn diễn ra. Hơn 8.000 người hành hương Hồi giáo từ nhiều nước châu Á đã tập trung tại nhà thờ ở thành phố Gowa thuộc tỉnh Nam Sulawesi hôm 18/3 để thực hiện thánh lễ, bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách.</p> <p style="text-align: justify;">Sự kiện này và sự kiện trước đó tại ngoại ô Kuala Lumpur đều được tổ chức bởi phong trào Hồi giáo Tablighi Jama'at.</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>