Cá chạch sấy trị viêm gan truyền nhiễm

(khoahocdoisong.vn) - Cá chạch sấy, tán thành bột mịn để uống có tác dụng chữa viêm gan truyền nhiễm. Phương thuốc này đã được các nhà y học Trung Quốc khảo sát và đánh giá tác dụng trên lâm sàng.

Cách làm: Cá chạch nuôi trong nước sạch 1 ngày, sau đó làm sạch, bỏ phủ tạng, sấy khô ở nhiệt độ 100 độ C rồi tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10g. Công dụng: Chữa viêm gan truyền nhiễm.

Phương thuốc này đã được các nhà y học Trung Quốc khảo sát và đánh giá tác dụng trên lâm sàng. Một nghiên cứu được tiến hành trên 40 bệnh nhân bị viêm gan truyền nhiễm, kết quả có 24 bệnh nhân hết hẳn các triệu chứng lâm sàng, gan hết sưng, chức năng gan được phục hồi hoàn toàn; 11 bệnh nhân cơ bản hết các triệu chứng, chức năng gan được cải thiện, gan đỡ sưng; chỉ có 5 bệnh nhân không có tác dụng, bài thuốc đạt hiệu quả 87,5%.

Một nghiên cứu khác được tiến hành trên 20 bệnh nhân bị viêm gan truyền nhiễm có hội chứng vàng da, kết quả cho thấy ở nhóm được dùng bột cá chạch ngày điều trị trung bình là 25,8 ngày, ngắn hơn 12,2 ngày so với nhóm được điều trị bằng tân dược theo phác đồ thông thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Các nhà y học Trung Quốc nhận thấy cá chạch có tác dụng lợi mật, làm hết vàng da khá nhanh và có khả năng bảo vệ tế bào gan, làm hạ men gan tương đối tốt. Đối với các trường hợp viêm gan mạn tính, cá chạch cũng có tác dụng điều trị ở một mức độ nhất định.

Trong dân gian, cá chạch có nhiều tên gọi khác nhau như thu ngư, hòa thu, nê thu..., tên khoa học của nó là Misgurnus anguillicaudatus (Cantor). Theo phân tích của dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g thịt cá chạch chứa 83g nước, 9,6g protid, 3,7g lipid, 2,5g glucid và 1,2g chất khoáng.

Như vậy, thịt cá trạch có lượng mỡ khá thấp nhưng lượng đạm lại rất phong phú, cao hơn nhiều so với các loại thịt và cá khác. Cũng trong 100g thịt cá chạch còn có chứa một lượng lớn các vitamin, đặc biệt là vitamin B1 (30 microgam), vitamin B2 (440 microgam), vitamin A (70 đơn vị quốc tế), provitamin A (90 đơn vị quốc tế) và nicotinic axit (4mg). Ngoài ra, còn có các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể như Ca, P, Fe...

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, cá chạch vị ngọt, tính bình, có công dụng bồi bổ tỳ vị, dưỡng thận trừ thấp, làm hết vàng da, cầm đi lỏng và có lợi cho dương sự. Các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Tùy tức cư ẩm thực phổ, Trấn nam bản thảo, Y học nhập môn...đều có những kiến giải khá sâu sắc về công dụng của cá chạch trên cả hai phương diện thực phẩm và dược phẩm.

Dưới dạng các món ăn-bài thuốc (dược thiện), Cổ nhân thường dùng cá chạch để chữa các chứng bệnh như tiêu khát (tiểu đường), dương nuy (liệt dương), trĩ, viêm gan, mụn nhọt, lở loét ngoài da...Ví như, sách Thánh tễ tổng lục đã ghi lại cách dùng cá chạch để chữa bệnh tiểu đường: lấy 10 con cá chạch bỏ đầu đuôi, làm sạch, phơi hoặc sấy khô, đốt thành than rồi tán bột; lá sen tươi phơi khô tán bột, hai thứ lượng bằng nhau, trộn đều, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa nhỏ. Như vậy, có thể thấy cá chạch không những có giá trị bổ dưỡng cao mà còn có khả năng phòng chống bệnh tật.

Bởi vậy, người xưa gọi cá chạch là “nhân sâm dưới nước”, ý muốn nói trong ao hồ, đầm lấy, ruộng nước...cá chạch là một loại thức ăn và vị thuốc quý giá như nhân sâm vậy.

ThS Hoàng Khánh Toàn

(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.ƯQuân đội 108)

Theo Đời sống
back to top