Tuyến buýt điện có trợ giá số hiệu D4, tần suất hoạt động 20 phút/chuyến, thời gian chạy từ 5h đến 21h15 mỗi ngày. Giá vé áp dụng cho tuyến buýt điện này là 7.000 đồng/lượt, đối với học sinh và sinh viên là 3.000 đồng/lượt.
Trước đó, hồi giữa tháng 2/2022, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Sở GTVT chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn TPHCM.
Trong đó, TPHCM sẽ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%. Cách tính này của TPHCM là vận dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG có sức chứa tương đương đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, với mức giá 6,5 tỷ đồng/xe theo báo cáo của Tập đoàn Vingroup, cao hơn khoảng 2,3 lần so với nguyên giá xe của 1 phương tiện xe buýt CNG cùng sức chứa là 2,75 tỷ đồng), nên chi phí khấu hao là: 8.923 đồng/km, chi phí nhiên liệu xe điện tạm tính bằng 50% của xe CNG nhóm 4 là 2.676 đồng/km; chi phí nhân công, chi phí vật tư sửa chữa, chi phí khác và các khoản bảo hiểm tính bằng xe CNG nhóm 4.
Khi đó, đơn giá vận hành cho xe buýt điện dự tính là 26.937 đồng/km, cao hơn đơn giá của xe CNG nhóm 4 (24.224 đồng/km). Tuy nhiên, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus - Chi nhánh TPHCM chấp nhận áp dụng đơn giá của xe nhóm 4 - CNG.2 là 24.224 đồng/km cho xe buýt điện trong thời gian thí điểm để tính chi phí.
Trước đó, tại Hà Nội, Vinbus cũng đã cho triển khai xe buýt điện có trợ giá từ đầu tháng 12/2021. Tuyến xe buýt điện đầu tiên có lộ trình Bến xe Mỹ Đình đến KĐT Ocean Park, ngoài ra còn có các tuyến Mỹ Đình - KĐT Ocean Park, Long Biên - KĐT Smart City...
Trong đó, Hà Nội đang tạm áp dụng theo đơn giá của xe CNG và giá trị đặt hàng (trợ giá) là gần 4,5 tỷ đồng trên tổng chi phí đặt hàng tạm tính là hơn 5,3 tỷ đồng (tỷ lệ trợ giá/chi phí khoảng 83,2%).