Khử khuẩn bằng nước muối ion và nhiệt ozone
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tạo ra buồng khử khuẩn đầu tiên của Việt Nam. Có 2 buồng khử khuẩn với 2 dạng khác nhau là dùng nước muối ion để làm sạch ướt và dùng nhiệt ozone để làm sạch khô. Đây là kết quả nghiên cứu đột xuất, được thực hiện trong một thời gian rất ngắn, chỉ hơn 1 tháng, để ứng phó với dịch Covid -19 đang ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Cấu tạo chính của hệ thống là một máy phun dung dịch ở dạng sương 360 độ, kết hợp với cảm biến hồng ngoại lắp đặt bên trong buồng giúp tự động kích hoạt quá trình phun khử khuẩn khi phát hiện có người đi qua. Mỗi máy cao 1m, rộng 1m, vừa tạo cảm giác rộng rãi cho một người đứng vào, vừa dễ dàng di chuyển đến nhiều nơi. Đặc biệt, buồng có thể làm sạch toàn thân với mức độ hiệu quả đến 99% chỉ trong 15 giây và dùng được cho 1.000 người mỗi ngày.
TS Nguyễn Thành Nhân, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, buồng khử khuẩn hoạt động theo cơ chế tự động. Để sử dụng, khi đèn báo tín hiệu bật màu xanh, người dùng bước vào trong. Khi đó hệ thống phun sương khử khuẩn thực hiện hai lần trong 15 giây, đèn báo chuyển sang màu đỏ. Dung dịch sát khuẩn là muối ion hóa dạng sương để tránh nguy cơ gây kích ứng da, khi hít vào có thể sát khuẩn trực tiếp mũi và họng mà không gây khó thở đối với người dùng. Muối ion hóa có khả năng vô hiệu hóa vi khuẩn, phòng lây nhiễm Covid-19 trên bề mặt như quần áo, điện thoại, giải quyết phần nào nhu cầu sàng lọc lây nhiễm tại một số khu vực tiếp xúc đông người như trường học, bệnh viện.
Diệt khuẩn an toàn
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết, phần chính của hệ thống là máy phun dung dịch sương mù tự động 360 độ, kết hợp với cảm biến hồng ngoại lắp đặt bên trong buồng, giúp quá trình phun khử khuẩn được thực hiện tự động khi phát hiện có người đi qua. Ngoài việc lắp ráp các phần cơ của buồng khử, nhóm đang nghiên cứu tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và đo nhiệt độ hình ảnh để cung cấp thông tin về thân nhiệt người trong buồng. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong quá trình chế tạo.
Đáng chú ý, hiện nay phần lớn để diệt khuẩn toàn thân chúng ta vẫn đang sử dụng việc phun Cloramin B lên người. Tuy nhiên chất này có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học quyết định chọn 4 cách làm sạch đó là dùng tia UV, dùng ozone, dùng nhiệt và dung dịch muối khử khuẩn an toàn. Buồng phun sương chứa dung dịch muối ion (thay thế dung dịch Cloramin B) có khả năng diệt khuẩn hiệu quả cao hơn, cũng như nếu sử dụng muối và ion thì khi hít phải không gây hại cho sức khoẻ con người mà hệ hô hấp còn được làm sạch. Bên cạnh đó, buồng nhiệt ozone khô cũng không gây hại cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, sản phẩm hiện tại vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Việc nhân rộng mô hình này chỉ là vấn đề thời gian. Ưu điểm là các thiết bị này không phải nhập công nghệ từ nước ngoài mà hoàn toàn chủ động được trong nước. Cụ thể, nước muối ion là sản phẩm của Viện tự sản xuất, đây là loại chất diệt khuẩn tương tự như Cloramin B nhưng có độ oxy hoá cao hơn nên khả năng diệt khuẩn còn cao hơn mà không gây hại. Bên cạnh đó, vỏ thiết bị và hệ thống điện sử dụng là do các kỹ sư ĐH Bách khoa tự chế tạo, giá trị đầu tư không nhiều.
Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch nhân rộng bằng hình thức hỗ trợ lắp đặt để bán hoặc cho thuê, nhằm giúp trường học, văn phòng, cơ quan, các chung cư, khu du lịch, sân bay... và nhiều nơi công cộng khác. Ngoài thiết bị muối ion hóa phun sương, nhóm đang trong quá trình thử nghiệm thêm buồng khử khuẩn nhiệt ozone và thiết kế buồng sấy tiệt trùng quần áo y tế chuyên dụng của bác sĩ.