Các lái buôn thu mua chè tại La Bằng.
“Đệ nhất danh trà”
Còn nhớ dịp Festival chè Quốc tế diễn ra tại xứ Thái tháng 11 năm ngoái đã thu hút hàng chục nước và các tổ chức quốc tế đến tham dự. Họ nức nở khen Thái Nguyên không phải vì cách quảng bá sản phẩm chè bản địa mà ở vị trà kết tinh trong tình người hiếu khách.
Người viết bài này cũng từng có cuộc trò chuyện với bà Barbara Dufrene, tổng thư ký Ủy ban chè châu Âu, Tổng Biên tập Tạp chí Chè và Cà phê Pháp trong dịp Festival. Bà Dufrene gật gù vì hương trà Việt nhưng cũng thẳng thắn nói rằng, trà Việt khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới vì nghèo về chủng loại, và có quá ít thương hiệu thực sự được gọi là danh trà.
Chợt nhìn lên tấm bản đồ phân bố chè của xứ Thái, ở đấy chỉ có La Bằng là vừa nhỉnh lại vừa đậm hơn cả. Sự “đậm” ở đây không phải vì màu sắc mà ở tính chất thương hiệu đã có từ cuối thể kỷ 19 do tự nhiên hậu đãi cho phần thổ nhưỡng lý tưởng với cây chè. Đặc biệt hơn là ở cung cách trồng – chế biến – đánh bóng sản phẩm.
Ông Bế Thanh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng lần giở trí nhớ bảo: “Trước đây, La Bằng là vùng kinh tế chủ yếu dựa vào kinh tế và trồng màu, nhưng đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng chè, vốn là loại cây truyền thống tại địa phương. Hơn nữa, La Bằng còn là vùng “đệ nhất danh trà” đặc biệt của xứ Thái và có màu mật ong vàng óng”.
Tưởng là “đệ nhất danh trà” thì giá phải cao lắm, có khi dăm bảy triệu đồng một gói đóng hộp? Nhưng không phải, thương hiệu danh trà La Bằng lại có giá rất rẻ, mà theo lời ông Bế Thanh Hoàng, chỉ khoảng 300 nghìn một cân, hoặc có đắt hơn nữa thì 500 nghìn mà thôi.
Chè La Bằng được phong là “đệ nhất danh trà”.
Buôn chè như buôn… thóc
Cũng bởi thương hiệu chè La Bằng mà ở đây người ta buôn bán chè nhiều như chợ quê bán thóc. Từng bao tải nặng trình trịch khuôn ra vác vào lườm lượp như hội.
Chúng tôi về chợ chè La Bằng, một chợ nổi tiếng xứ sở tại họp 12 phiên tất thảy mỗi tháng và có cả chè ở nơi khác mang đến. Những người bán hàng thì đi xe tải chở đầy những bao được ấn chặt đùn vào trong xe. Người mua chè thì đi xe trọng tải nhỏ hơn hoặc xe máy, xe thồ. Họ dựng xe la liệt trước cổng chợ và họp nhau “xem hàng” trả giá.
Việc mua bán chè ở đây có sự góp mặt của đủ thành phần. Từ người trồng chè ở địa phương đến lái buôn ngoại tỉnh, từ hợp tác xã đến đầu mối thu mua quy mô lớn hoặc nhỏ lẻ. Họ đến góp mặt có thể để mua đi bán lại, hoặc chỉ đến để tham khảo giá thị trường.
Chợ chè La Bằng khác biệt với tất cả chợ quê vùng miền là mặt hàng chính không phải thực phẩm, thóc lúa hay hoa màu mà là chè. Từ chè La Bằng đến chè các vùng khác đổ xô về đây. Sau khi xem hàng, thỏa thuận giá cả, họ đóng thành những bao lớn như bao thóc và đưa đi khắp các vùng miền.
Một trong những cơ sở thu mua chè có tiếng là hợp tác xã (HTX) chè La Bằng với hàng chục hội viên tham gia. Họ vừa tham gia trồng, chế biến, vừa thu mua đóng gói sản phẩm và tạo thương hiệu riêng cho cơ sở của mình.
Theo ông Bế Thanh Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã La Bằng: “Cả xã hiện có khoảng 300 ha trồng chè, xã có 980 hộ dân thì tất thảy đều tham gia trồng và chế biến nên lượng chè xuất ra thị trường khá lớn. Trồng chè lãi gấp trăm lần trồng lúa chứ không nói chơi”.
Chè được buôn bán nhiều như thóc.
Thương hiệu đại lý và giá thương hiệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá chè buôn vào bán ra ở La Bằng cũng tùy thuộc vào thương hiệu của đại lý sở tại. Đơn cử như đại lý chè nhà bà Y có tiếng từ lâu, chè ngon, giá cả hợp lý thì dù bà Y có mua chè ở đâu, với giá rẻ bao nhiêu thì sau khi đóng gói bán ra, nhiều người vẫn thích mua dù giá cao hơn bình thường gấp vài lần.
Ngược lại, một đại lý chưa có thương hiệu mua chè ngon về cũng rất khó bán, dù giá bán ra thấp hơn so với các đại lý khác. Chính vì thế, ở La Bằng đang tạo ra hai thái cực: Thương hiệu = chè không ngon + giá đắt và ngược lại.
Tuy nhiên, cũng có những cơ sở tự tạo cho mình thương hiệu với chất lượng đảm bảo. Như HTX chè La Bằng, khởi nghiệp bởi bà chủ nhiệm Nguyễn Thị Hải với ý tưởng bỏ chè cũ trồng chè mới và bươn trải khắp đất nước tìm hiểu thị hiếu của khách.
Một lý do nữa khiến chè La Bằng có thương hiệu là bởi trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Điệng hiện còn có bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính rộng 50 cm và có hương vị cực ngon, mát.
Chợ chè La Bằng nhờ thế mà phất lên một phần. Tuy nhiên, theo bật mí của Phó chủ tịch UBND, ông Bế Thanh Hoàng: “Chè La Bằng rất ít khi buôn bán ở chợ mà chủ yếu đó là chè nơi khác mang đến. Chè La Bằng chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng”.
Giá cả theo “đơn đặt hàng” mà ông Hoàng nói chỉ khoảng 300 nghìn đồng/kg. Còn giá ngoài chợ có khi rẻ hơn rất nhiều, hoặc đắt hơn do loại chè và cung cách mua bán của người dân.
Chè ở La Bằng tuy ngon nhưng khó cạnh tranh.
Một trong những bí quyết để đưa chè La Bằng thành “đệ nhất danh trà” chính là cái tâm trong lao động sản xuất. Từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến phơi sấy đều phải được đảm bảo. Theo ông Hoàng, sau khi thu hái chè về phải cho lên dàn hong khô. Phần sao chè phải dành cho người có kinh nghiệm, lửa không được quá to hoặc quá nhỏ.
Sau khi sao sấy xong, đem một lượng chè để pha, nếu màu nước, mùi thơm, hương vị đủ tiêu chuẩn theo cảm giác của người “thợ cả” tức là trà đã có thể xuất ra thị trường và không hổ danh là “đệ nhất danh trà” La Bằng.
Không có chè rẻ tiền để… làm bẩn: “Mỗi năm La Bằng xuất ra thị trường khoảng 2.302 tấn chè búp, số lượng đó có thể là khiêm tốn nhưng chất lượng và giá cả thì không rẻ chút nào. Chè La Bằng chưa bao giờ mang tiếng là chè bẩn, vì thực tế chúng tôi không có loại chè rẻ tiền để… làm bẩn”, ông Bế Thanh Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã La Bằng.
Trần Hòa