Theo y học cổ truyền, bưởi có vị ngọt, chua, tính mát, không độc, tác dụng kiện tỳ vị, tiêu đàm, thanh nhiệt, giải rượu. Ăn bưởi chữa được chứng bụng đầy, chậm tiêu, nội nhiệt, táo bón, phong thấp nhức mỏi, đái tháo đường, tăng huyết áp. Bưởi ăn thường xuyên rất tốt chữa chứng béo phì do can khí uất kết, bưởi tốt cho người mập phì, thừa cân do hay uống rượu.
Để chữa ăn không tiêu người ta thường lấy cùi bưởi cắt sợi, ngâm với đường trắng 1 tuần, mỗi ngày uống 15g, ngày uống vài lần. Chữa đầy bụng lấy vỏ bưởi, vỏ quýt lượng bằng nhau sao vàng, gừng tươi 3 lát sắc nước uống 2 lần/ngày. Nếu bụng trướng, buồn nôn ép 1 quả bưởi lấy nước, trần bì 9g, gừng tươi 6g, thêm đường đỏ nấu lên rồi uống. Bưởi chứa nhiều vitamin, mỗi ngày ăn 1 quả bưởi chua để hạ đường huyết, giảm mỡ máu (bưởi có chứa một loại enzyme - carnitine palmitoyltransferase giúp loại bỏ chất béo).
Đối với người mắc bệnh huyết áp có thể dùng bưởi để hỗ trợ điều trị. Vì bưởi có chứa một lượng kali cao, giúp thư giãn các mạch máu và thúc đẩy sự lưu thông máu dễ dàng khiến tim hoạt động tối ưu, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Đối với người hay ớn lạnh, lấy 100g vỏ ngoài quả bưởi tươi xắt nhỏ, một trái dừa lớn đẽo phía cuống, cho vỏ bưởi vào, sau đó đốt than nướng cho chín rồi vắt lấy nước uống ngày 1 trái, một đợt dùng 5 - 7 ngày, chữa chứng người ớn lạnh, lúc nóng lúc lạnh, nổi da gà.
Bưởi là trái cây ăn, là vị thuốc quý phòng chữa nhiều bệnh, tuy nhiên, bưởi có vị chua, không nên ăn nhiều lúc bụng đói dễ gây cồn cào hoặc đang đau do gút, viêm loét dạ dày không nên dùng.
Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)